Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho học sinh, sinh viên
Bước sang thế kỉ 21, với sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa, sự bùng nổ của cách mạng công nghệ thông tin, sự phát triển của nền kinh tế tri thức, cả những thay đổi và bất ổn đang diễn ra trên toàn cầu lại đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo dục. Hướng đến tạo ra con người có đủ năng lực để làm chủ, thích ứng và giải quyết những vấn đề của thời đại mới là mục đích của mọi nền giáo dục. Khả năng làm chủ ấy đòi hỏi có những năng lực tư duy cần thiết, trong đó tư duy phản biện- là một trong hai năng lực tư duy quan trọng nhất của người lao động trong thế kỉ 21. Trong các môn học được giảng dạy trong trường học, triết học với những đặc trưng riêng, có vai trò quan trọng cho việc nâng cao năng lực tư duy phản biện cho học sinh, sinh viên.
TRIẾT HỌC VÀ TƯ DUY PHẢN BIỆN
Triết học với lịch sử phát triển hơn 2000 năm, một hệ thống tri thức lý luận phong phú về thế giới và con người, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển tư duy con người, trong đó có năng lực tư duy phản biện.
Đối tượng nghiên cứu của triết học không phải là một lĩnh vực cụ thể, riêng lẻ của hiện thực mà là toàn bộ hiện thực trong tính chỉnh thể, toàn vẹn của nó, cung cấp cho con người một cái nhìn có tính toàn diện và bao quát về thế giới và con người. Nhưng trên hết, “triết học không phải là những vấn đề về các khách thể tự nhiên hoặc do con người tạo ra mà là về mối quan hệ của con người đối với các khách thể đó; không phải là thế giới tự thân mà là thế giới cư trú của đời sống con người – đó chính là quan điểm xuất phát của ý thức triết học” (Đinh Thanh Xuân; 2019). Do đó, ngay cả khi triết học nghiên cứu các vấn đề về thế giới nhưng mục đích sâu xa là để trả lời những câu hỏi về chính cuộc sống con người, về ý nghĩa và mục đích cuộc sống.
Khác với các loại hình nhận thức khác như tôn giáo, nghệ thuật, triết học nhận thức thế giới bằng luận lý, thông qua hệ thống các khái niệm, phạm trù được xây dựng một cách có logic, có tính khái quát cao, có chứng minh và luận giải. Các quan điểm triết học dù đa dạng, khác biệt nhưng đều cần phải được chứng minh tính chân thực, hợp lý của nó bằng hệ thống logic, bằng quan sát, trải nghiệm và sự vận động không ngừng của dòng chảy đời sống. Triết học không chỉ cung cấp những tri thức về thế giới, mà còn giúp con người đi sâu vào chính bản thân mình, nhận diện quá trình diễn ra bên trong tư duy của mình, đánh giá những tri thức, hiểu biết của mình, do vậy triết học cũng là “tư duy về tư duy”. “Triết học là tư duy phê phán dựa trên lí trí, ít nhiều có hệ thống về bản chất chung của thế giới (siêu hình học hay học thuyết về tồn tại), sự chứng minh cho niềm tin (lí luận về nhận thức và tư cách đạo đức ở đời (đạo đức học hay học thuyết về giá trị)” (C. Mác – Ph. Ăngghen; 1994). Đây là môn học quan trọng góp phần phát triển các loại năng lực tư duy như tư duy lý luận, tư duy sáng tạo…, và trong đó có tư duy phản biện. Do vậy, tại hầu hết các trường đại học trên thế giới và cả trường phổ thông ở một số nước, triết học được coi là một bộ môn cần được giảng dạy, nghiên cứu.
Con người luôn được dẫn dắt bởi những gì mình suy nghĩ, bởi những quan niệm của mình về cuộc sống. Do đó năng lực tư duy “nhìn sâu”, phản ánh được cái bản chất, bên trong của thế giới và con người để tìm ra sự thật, chân lý có vai trò như kim chỉ nam, định hướng cho con người trong nhận thức, hoạt động giải quyết vấn đề. Khác với cảm tính, tư duy là trình độ cao của quá trình nhận thức phản ánh thế giới khách quan một cách gián tiếp, ở tầng bản chất, nội dung bên trong của nó, và được thể hiện dưới hình thức ngôn ngữ (các khái niệm, phạm trù, quy luật). Nhưng tư duy không chỉ phản ánh thế giới khách quan, năng lực tư duy còn thể hiện ở khả năng xem xét, đánh giá chính quá trình phản ánh đó thông qua quá trình lập luận với nhiều thao tác logic phức tạp để đánh giá tính, đúng sai của các quan niệm, từ đó tìm kiếm và khẳng định chân lý. Bởi chỉ có nắm được chân lý mới giúp con người giải quyết tốt các vấn đề và đem lại sự tiến bộ cho xã hội. Năng lực tư duy đó còn được gọi là tư duy phản biện (hay tư duy biện luận, tư duy phê phán). Nó là cơ sở, tiền đề cho mọi sáng tạo, đổi mới trong cuộc sống.
Ngày nay, tư duy phản biện được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong xã hội hiện đại bởi tầm quan trọng thiết yếu của nó trong nhận thức và giải quyết vấn đề. Có thể khái quát: tư duy phản biện là năng lực lập luận để tìm kiếm chân lý trong quá trình tư duy và ra quyết định. Nó là sự tổng hợp của các khả năng tư duy như: đặt câu hỏi, cái nhìn đa chiều, toàn diện, phân tích, đánh giá, khái quát. Năng lực tư duy phản biện được thể hiện thông qua sự vận dụng thành thục các kĩ năng trong việc giải quyết vấn đề và ra quyết định – kĩ năng tư duy phản biện. Nó bao gồm các bước để tiến hành quá trình lập luận nhằm xem xét, đánh giá, giải quyết vấn đề và ra quyết định bao gồm: đặt các tri thức, niềm tin, vấn đề dưới sự xem xét, đưa ra các lập luận và đặt câu hỏi, phân tích các thành phần cấu thành lập luận, đưa ra các giải pháp khác nhau, phân tích, đánh giá, tìm các lỗi lập luận nếu có, xác định chân lý và ra quyết định. Mọi vấn đề trong cuộc sống đều có thể được xem xét trên tinh thần tư duy phản biện, đó là cách để chúng ta giải quyết một cách hợp lý, có thuyết phục, hiệu quả đối với các vấn đề đặt ra, cũng là cách để chúng ta tiến xa hơn, nhìn rộng hơn và có khả năng đưa ra cái nhìn mới, giải pháp mới cho những vấn đề đó. Tư duy phản biện không chỉ giúp cá nhân nhận thức đúng và ra quyết định đúng, mà còn là cơ sở cho sáng tạo, đổi mới hướng đến một thế giới thay đổi tốt đẹp hơn.
VAI TRÒ CỦA TRIẾT HỌC TRONG VIỆC NÂNG CAO NĂNG LỰC TƯ DUY PHẢN BIỆN CHO HỌC SINH, SINH VIÊN
Thứ nhất, kích thích khả năng đặt câu hỏi và tìm kiếm vấn đề, giải pháp mới.
Khả năng đặt câu hỏi, phát hiện vấn đề là một yếu tố quan trọng của tư duy phản biện tốt. Việc đặt ra câu hỏi nhiều khi còn quan trọng hơn cả tìm kiếm câu trả lời bởi đó là khởi nguồn của sáng tạo, đổi mới.
Nhờ khả năng đặt câu hỏi, chủ thể tư duy không dễ dàng chấp nhận những tri thức, niềm tin có sẵn, bị áp đặt mà luôn đặt chúng dưới sự xem xét, đánh giá về tính đúng sai, về độ tin cậy trước khi áp dụng vào giải quyết vấn đề; nhờ đó, có khả năng phát hiện, tìm ra các cách tiếp cận hoặc giải pháp mới. Việc học tập triết học kích thích khả năng này bởi triết học được hình thành từ chính những câu hỏi của con người về thế giới và chính bản thân mình, thể hiện niềm khát khao khám phá thế giới, tìm kiếm chân lý.
Khi học sinh, sinh viên tiếp cận với các quan niệm triết học sẽ có cơ hội vượt ra khỏi những niềm tin giới hạn, những định kiến, suy nghĩ máy móc để biết nhìn mọi vấn đề dưới con mắt của sự “hoài nghi” khoa học, có năng lực suy nghĩ độc lập, chủ động trong tiếp nhận đánh giá thông tin, tri thức.
Thứ hai, hình thành tư duy đa chiều, toàn diện.
Trong quá trình giải quyết vấn đề và ra quyết định, người có năng lực tư duy phản biện tốt sẽ không đánh giá, xem xét vấn đề một chiều mà ở nhiều khía cạnh khác nhau, có tính toàn diện. Năng lực này có thể được phát triển tốt nhờ học triết học. Vấn đề nghiên cứu của triết học vừa rộng vừa phức tạp do đó không chỉ có một cách nhìn duy nhất đúng. Thực tế sự vận động của lịch sử triết học cho thấy ở các thời đại khác nhau, và ở cùng một thời đại luôn xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau, mâu thuẫn nhau khi trả lời các câu hỏi chung về thế giới và con người. Triết học là cuộc đối thoại của các tư tưởng khác nhau xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Trả lời các câu hỏi về nguồn gốc và sự tồn tại của thế giới có trường phái duy vật, duy tâm, nhị nguyên luận; trả lời các câu hỏi về khả năng nhận thức thế giới của con người có trường phái khả tri luận, bất khả tri luận, hoài nghi luận; các vấn đề về con người, mục đích, ý nghĩa của đời sống, các vấn đề lợi ích, nhân phẩm, quyền con người đều có nhiều các quan điểm khác nhau; đặc biệt là, mỗi quan điểm trong đó đều có những hạt nhân hợp lý của nó.
Thứ ba, nâng cao khả năng lập luận.
Ngày nay, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, học sinh, sinh viên cần có tư duy phản biện tốt để tiếp thu kiến thức một cách chủ động, biết chọn lọc thông tin, đánh giá các quan niệm, ý kiến, niềm tin một cách có căn cứ. Triết học không cung cấp những tri thức, kĩ năng cho một nghề nghiệp cụ thể nào nhưng triết học dạy cách chúng ta suy nghĩ, cách chúng ta tiếp nhận những quan niệm trên tinh thần phản biện.
Đặc trưng của tư duy triết học là tư duy lý luận. Triết học lý giải các vấn đề về thế giới và con người không phải bằng niềm tin hay tưởng tượng mà bằng những suy tư có tính logic, có căn cứ dựa trên sự khái quát những kinh nghiệm thực tiễn lịch sử của đời sống loài người, sự tổng kết tri thức của các khoa học cụ thể. Chính vì thế những kết luận triết học hay những đối thoại triết học chỉ thực sự thuyết phục nếu nó dựa trên những căn cứ được chứng minh đầy đủ. Mặt khác, nghiên cứu về tư duy cũng là một nội dung quan trọng trong triết học (nhận thức luận, logic học); ở đó, tư duy trở thành đối tượng phản ánh, được làm rõ các thành tố cấu thành và quá trình vận động, phát triển của nó, cũng như các tiêu chuẩn để đánh giá, kiểm nghiệm chân lý được làm rõ (như quan sát, kinh nghiệm, thực tiễn, tiêu chuẩn logic). Việc hiểu được quá trình vận động của tư duy đi đến chân lý như thế nào cũng như các nguyên tắc cơ bản của quá trình lập luận đúng sẽ giúp cho học sinh, sinh viên nâng cao năng lực phân tích, tổng hợp, so sánh, chứng minh, lý giải, biết tìm các lý lẽ, căn cứ để xác minh tính đúng, sai của các tri thức, quan niệm; từ đó nâng cao năng lực giải quyết vấn đề và ra quyết định. Học tập và tiếp cận với triết học cũng giúp người học hình thành thái độ tôn trọng sự thật, chân lý một cách có căn cứ.
ĐỊNH HƯỚNG NÂNG CAO NĂNG LỰC TƯ DUY PHẢN BIỆN CHO NGƯỜI HỌC
Thứ nhất, triết học không chỉ dành cho sinh viên đại học. Hiện nay ở Việt Nam, môn triết học chỉ được giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học. Ở cấp học phổ thông trung học, một phần kiến thức triết học Mác – Lênin được lồng ghép vào môn Giáo dục công dân.
Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay một số nước như Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển môn triết học đã được đưa vào giảng dạy ở cấp trung học cơ sở. Ở Pháp, môn triết học là môn chính và bắt buộc phải thi đậu nếu muốn có bằng tú tài. Pháp cũng thí điểm giảng dạy triết học cho học sinh cấp tiểu học.
Phong trào dạy triết học cho trẻ em cũng đang rất phổ biến ở các nước phát triển, với những chương trình học và tài liệu được thiết kế đặc biệt dành cho trẻ em ở các độ tuổi khác nhau với mục đích khuyến khích trẻ tư duy logic, suy nghĩ sáng tạo, tự do, không giới hạn. Một vài cuốn sách triết học cho trẻ em cũng đã được dịch ra Tiếng Việt những năm gần đây. Suy tư triết học vốn là cội nguồn và thấm đẫm trong mọi loại hình văn hóa. Cá nhân ở bất cứ trình độ nào trong suy nghĩ và giải quyết vấn đề cũng cần đều phải trả lời các câu hỏi mang tính triết học để định hướng cho mục đích hành động và để hành động như một cá nhân có tự do và trách nhiệm. Chính vì vậy, xem xét đưa việc đưa nội dung giảng dạy triết học vào các cấp học là điều cần thiết, để học sinh sớm được tiếp xúc, rèn luyện khả năng tư duy phản biện, độc lập, chủ động trong suy nghĩ. Và việc tiếp xúc sớm với triết học cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tốt môn triết học ở bậc đại học để phát triển các loại năng lực tư duy, trong đó có tư duy phản biện.
Thứ hai, đổi mới nội dung giảng dạy triết học cho sinh viên không chuyên ngành Triết học.
Chương trình giảng dạy triết học được thiết kế cho sinh viên không chuyên ngành triết học hiện nay (theo Chương trình đổi mới các môn Lý luận chính trị từ năm 2019) là học phần Triết học Mác – Lênin, trước đây là học phần Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin (phần I). Nội dung cả hai học phần đặt trọng tâm kiến thức và sắp xếp hệ thống các vấn đề theo triết học Mác – Lênin kiến thức lịch sử triết học chỉ được lồng vào ít ỏi trong các vấn đề chính. Do đó, nội dung chương trình không cung cấp cho sinh viên bức tranh toàn cảnh về triết học, không làm rõ tính logic, sự vận động của tư duy triết học trong quá trình phát triển, cũng như những giải đáp của triết học về các vấn đề thế giới và nhân sinh gắn với từng thời đại cụ thể.
Điều này làm cho sinh viên dễ có cái nhìn thiên lệch về triết học, đồng nhất triết học Mác – Lênin với triết học nói chung, và cũng lỡ mất cơ hội được hiểu sâu sắc hơn các trường phái, quan điểm đa dạng trong triết học.
Điều này làm hạn chế khả năng tư duy đã chiều, cách tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, vốn là điều không thể thiếu của một tư duy phản biện tốt. Các cuộc tranh luận của các nhà triết học, các trường phái triết học khác nhau trong lịch sử triết học chính là mảnh đất tốt để nuôi dưỡng, hình thành năng lực tư duy phản biện. Vì vậy, trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình các môn lý luận chính trị, phần lịch sử triết học nên được coi là phần không thể thiếu trong học phần triết học dành cho học sinh, sinh viên.
Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy triết học
Ngày nay, với xu thế phát triển của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ thông tin, môi trường học tập và nguồn kiến thức của người học rộng lớn hơn rất nhiều, không giới hạn về phạm vi. Do đó, phương pháp giảng dạy nói chung và phương pháp giảng dạy triết học nói riêng cũng cần đổi mới theo hướng phát huy năng lực tự học, tìm tòi, sáng tạo, khả năng lập luận, đánh giá thông tin, tri thức của người học. Đặc biệt, với những đặc trưng của triết học, không chỉ là khoa học về thế giới, con người, mà còn là khoa học về tư duy, dạy cách tư duy thì phương pháp giảng dạy càng cần tích cực hóa.
Phương pháp giảng dạy cần hướng đến là:
Một là, tạo được môi trường học tập dân chủ, trong đó người học được tự do thảo luận, tranh luận, nêu quan điểm, ý kiến riêng của mình và người thầy khuyến khích học sinh, sinh viên tích cực tham gia giải quyết vấn đề, tôn trọng những ý kiến khác biệt. Bởi triết học nghiên cứu thế giới và con người nói chung, mà thế giới và con người rất rộng và phức tạp, người học cần được nhìn mọi vấn đề dưới các góc độ khác nhau.
Hai là, sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực để kích thích tính tích cực, chủ động của người học trong quá trình học tập: phương pháp nêu tình huống có vấn đề để tạo điều kiện cho người học tranh luận, hệ thống hóa các câu hỏi và thiết kế các bài tập tư duy. Tùy theo từng trình độ mà các tình huống, câu hỏi, bài tập tư duy được thiết kế phù hợp, lấy dữ liệu từ chính những vấn đề trong tự nhiên, cuộc sống để người học dễ hình dung, giải quyết. Những phương pháp này nhằm giúp học sinh, sinh viên nâng cao khả năng lập luận, đưa ra quan điểm, ý kiến dựa trên những căn cứ được chứng minh và được kết nối một cách hợp logic.
Ba là, giúp học sinh, sinh viên học tập bằng trải nghiệm. Tri thức triết học mang tính khái quát và trừu tượng cao khó có thể được lĩnh hội sâu sắc nếu không gắn với kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân. Trong khi đó, lứa tuổi học sinh, sinh viên còn ít trải nghiệm cuộc sống nên có thể thấy khó khăn khi tiếp thu các quan niệm triết học. Do đó, trong phương pháp giảng dạy đòi hỏi người thầy luôn gắn kết lý thuyết với các tình huống thực tiễn, các ví dụ thực tiễn càng gần gũi, có tính thời sự, đang xảy ra và được sự quan tâm chung của cộng đồng càng mang lại hiệu quả cao. Học sinh, sinh viên cũng có thể được giao các chủ đề nghiên cứu tìm hiểu thực tế, trải nghiệm văn hóa để từ đó tự mình rút ra các triết lý. Như vậy, để thành công trong giảng dạy và truyền thụ các tư tưởng triết học đòi hỏi người thầy phải nỗ lực đổi mới phương pháp không ngừng.
Tư duy phản biện là năng lực không thể thiếu đối với người lao động trong thế kỉ 21. Việc giảng dạy triết học cần định hướng phát triển năng lực này của người học để giúp học hình thành suy nghĩ độc lập, nâng cao khả năng sáng tạo, thái độ tôn trọng chân lý khách quan. Tuy nhiên, để đạt được mục đích đó, cần đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy và học tập triết học phù hợp với những yêu cầu của thời đại mới – nơi mà con người phải giải quyết rất nhiều các vấn đề mới phát sinh, có nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nếu không có năng lực tư duy tốt.
TS. Đào Thị Hữu
TS. Bùi Thị Hồng Thúy
Học viện Ngân hàng