Chuyện về Ngô Thị Huệ – Người con gái nuôi của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn
(Dangbodanang.vn) – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Huệ, một con người như huyền thoại, nữ Anh hùng ưu tú của lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng. Cuộc đời của chị là những chuỗi ngày dài cống hiến cho nhân dân và đất nước, nguyện son sắt một lòng theo Đảng.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Huệ |
Đồng chí Ngô Thị Huệ (bí danh Minh Hiệp, Bảy) sinh ngày 20/12/1942, quê quán xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Sinh ra trong một gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng, đồng chí Ngô Thị Huệ sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 10 tuổi, đồng chí đã gia nhập tổ chức thiếu nhi làm nhiệm vụ canh gác, làm hầm chông, đưa thư từ, liên lạc cho cán bộ, sau đó đồng chí tham gia hoạt động tại Đội công tác của thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian này, đồng chí phục vụ công tác nắm tình hình và tham gia 4 trận đánh diệt 8 tên ác ôn.
Năm 1963, từ Đội công tác thành phố Đà Nẵng đồng chí Huệ được điều về công tác tại Tổ điệp báo Đà Nẵng – sau này là Ban An ninh Đà Nẵng, làm cán bộ giao liên hợp pháp, chuyển tài liệu, tin tức từ nội thành ra vùng căn cứ, chuyển công văn, chỉ thị từ căn cứ vào nội thành. Từ năm 1963 đến năm 1968, đồng chí Ngô Thị Huệ đã xây dựng được 27 cơ sở từ nội thành đến các huyện, tạo thành đường dây liên lạc thông suốt, an toàn và hoạt động liên tục trong thời kỳ địch bố ráp, đánh phá ác liệt nhất. Điển hình như: Chuẩn bị cho đợt tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đồng chí Ngô Thị Huệ nhận nhiệm vụ truyền đạt chỉ thị của cấp trên đến các đồng chí lãnh đạo đang hoạt động trong nội thành. Lúc này địch kiểm soát việc ra vào thành phố rất nghiêm ngặt nên không thể mang tài liệu theo, đồng chí Huệ đã cố gắng học thuộc lòng các chỉ thị, mệnh lệnh để vào nội thành truyền đạt. Cải trang dưới nhiều hình thức khác nhau, đồng chí đã vượt qua được các trạm kiểm soát của địch để vào nội thành. Nhưng vào đến nơi, do phải đối phó căng thẳng với bọn địch, cơ sở dẫn đường đã dẫn nhầm đồng chí đến nhà của một tên cảnh sát vào lúc nửa đêm. Biết nhầm lẫn, đồng chí Huệ đã bình tĩnh, mưu trí tìm cách đối phó nên thoát được sự nghi vấn của tên này. Cuối cùng, đồng chí đã gặp được lãnh đạo Ban An ninh Quảng Đà để truyền đạt lại chỉ thị, mệnh lệnh về đợt tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Năm 1969, trong một lần đưa cơ sở về căn cứ huấn luyện, Ngô Thị Huệ bị máy bay ném bom và bị thương rất nặng nên được đưa ra miền Bắc chữa trị tại bệnh viện E (bệnh viện chuyên điều trị cho cán bộ từ miền Nam chuyển ra).
Cũng thời gian này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đến thăm các thương binh, bệnh binh ở Bệnh viện E đã chứng kiến cảnh nữ điệp báo Ngô Thị Huệ đau đớn chống chọi với những cơn động kinh. Sau khi nắm bắt tường tận về gia cảnh cũng như quá trình công tác, chiến đấu, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn quyết định nhận Ngô Thị Huệ làm con nuôi. Và sau ngày, chính ông là người đứng ra “dựng vợ, gả chồng” cho nữ anh hùng Ngô Thị Huệ.
Với những thành tích đặc việt xuất sắc, đồng chí Ngô Thị Huệ đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba, 2 lần được bầu Chiến sỹ Thi đua cấp tỉnh và nhiều bằng khen khác. Ngày 29/8/1985, đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Đức Lâm – Văn Kho