Nghĩ về lời Bác dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức”

Có thể nói, ở bất cứ xã hội nào nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Do vậy, người thầy phải không ngừng rèn đức luyện tài để hoàn thành trọng trách vẻ vang mà xã hội tin tưởng trao gửi. Trong Bài nói chuyện tại Lớp học Chính trị của giáo viên, tháng 8-1959, Bác dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”1.

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Vị trí, vai trò của người thầy luôn được xã hội tôn vinh với sự kính trọng, tin tưởng: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nhà giáo dục học người Séc (Tiệp Khắc) Comenxki đã từng nói: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Phát biểu tại Lớp học Chính trị của giáo viên năm 1959, Người đã khẳng định: “Giáo viên là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất vẻ vang”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nền giáo dục cách mạng, người giáo viên có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho nước nhà, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Người thầy là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, sản phẩm của dạy học là tương lai của dân tộc. Mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng. Khi đến thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò không thể thay thế của người giáo viên: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng Huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”2. Giá trị, tầm quan trọng của người thầy được thể hiện trong câu nói rất đỗi bình dị của Hồ Chí Minh: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế – văn hóa”3.

Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi nhà giáo phải là người có đức và có tài. Trong tư tưởng của Người, chúng ta luôn tìm thấy những trăn trở, những yêu cầu, những lời dặn dò và kỳ vọng to lớn đối với việc xây dựng đội ngũ giáo viên phải vừa hồng vừa chuyên, toàn diện cả đức lẫn tài để gánh vác trách nhiệm đào tạo những thế hệ công dân, cán bộ có tài, có đức cho xã hội. Theo Hồ Chí Minh, đức và tài là một thể thống nhất, không thể tách rời. Vì vậy, không thể chỉ có đức mà không cần tài, càng không thể coi trọng tài mà xem nhẹ đức, chúng phải tương hỗ cùng nhau, thống nhất hữu cơ với nhau mới giúp cho con người, nhất là người giáo viên hoàn thành nhiệm vụ cách mạng cũng như hoàn thiện nhân cách bản thân. Trong mối quan hệ biện chứng đó, đức là nền tảng của tài, định hướng cho tài năng phát triển và phát triển đúng hướng – tức phục vụ nhân dân và cách mạng. Ngược lại, tài là thành tố góp phần tạo nên đức, phát huy tác dụng của đức, hoàn thiện đức.

Theo Hồ Chí Minh trong mối quan hệ tương hỗ đức và tài thì “đức phải có trước tài”, đức là “nền tảng”, là “cái gốc” của người giáo viên. Trong bài nói tại Lớp học Chính trị của giáo viên năm 1959, Bác nhắc nhở: “Có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài”4. Đức là cái gốc giúp người cán bộ cách mạng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”5. Cũng trong Bài nói chuyện tại Lớp học Chính trị của giáo viên, Người nhấn mạnh: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”.

Bác Hồ luôn đề cao và yêu cầu cao đối với nghề dạy học xuất phát từ việc trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn, “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai, do đó không được phép làm ra “phế phẩm”. Một người cán bộ, một công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, vài công trình, nhưng một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu. Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Sách Tam tự kinh có câu: “Giáo bất nghiêm/ sư chi đọa – giáo dục không nghiêm là lỗi ở thầy giáo”. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”6. Đặc biệt, Người rất quan tâm đến phương pháp nêu gương. Theo Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh. Người nhắc nhở: “Các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo, phải là kiểu mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức, lề lối làm việc”. Người còn ví: “Trẻ em như cái gương trong sáng, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu, cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng”7. Người không tán thành hiện tượng nói không đi đôi với làm, nói một đường nhưng làm một nẻo, nói nhưng không làm. Người cho rằng, nếu người làm công tác giáo dục mà như thế thì giáo dục lại thành ra phản giáo dục, bởi: “Trẻ em hay bắt chước, cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách, v.v.. phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Nếu các cô các chú bảo: “Các em phải siêng làm” nhưng các cô, các chú lại đi ngủ, hoặc dạy “các em phải thật thà”, nhưng các cô, các chú lại nói sai, hay bảo “các em phải giữ vệ sinh chung”, nhưng các cô, các chú bẩn, như thế là không được. Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”8.

Theo luận điểm của Hồ Chí Minh, có tài mà không có đức là người vô dụng; nó nguy hiểm hơn có đức mà không có tài. Bởi lẽ, tài năng đó không phục vụ cho cái chung, cho nhân dân mà chỉ mưu cầu lợi ích cho mỗi cá nhân thì cũng thành vô giá trị. Người có tài mà đi ngược lại lợi ích chân chính của tập thể, của nhân dân, phản bội Tổ quốc thì chẳng những vô dụng mà còn có tội, tài đó đáng bỏ đi, không đáng trân trọng. Thực tiễn cho thấy, người càng có tài mà kém đức thì tác hại mang đến cho xã hội càng lớn. Một cán bộ, đảng viên với đầu óc sắc sảo, nắm giữ vị trí quan trọng trong xã hội mà suy thoái đạo đức, không có đạo đức thì nguy hiểm khôn lường. Một kẻ trộm cắp không đáng sợ, tác hại không to lớn bằng một kẻ cầm cân nảy mực mà không công chính nghiêm minh. Đã là một giáo viên, nếu không có đạo đức tốt, không yêu trường, mến nghề, tận tụy với học sinh thì khó lòng mà say mê, toàn tâm toàn ý với công việc, phấn đấu vươn lên để nâng cao năng lực chuyên môn. Đạo đức của người giáo viên là một đòi hỏi cao, bao gồm ngoài đạo đức công dân nói chung họ còn phải có đạo đức người thầy giáo. Trong đạo đức người thầy giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, để giáo dục học sinh thì người giáo viên trước hết phải gương mẫu, tận tâm với trẻ, với nghề bởi đây là cơ sở, động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?”. Yêu trò – là phải tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự tiến bộ của học trò, “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy”. Yêu nghề, yêu trò còn thể hiện trong cách quan tâm, chăm lo, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần trong trường học. Bác dặn “Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn”. Đây là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với công việc; biết vươn lên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp, chung sức đồng lòng vì tương lai của con em ta, dân tộc ta.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải trên trời rơi xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà được hình thành, củng cố và phát triển. Để rèn luyện đạo đức, Người luôn nhắc nhở các nhà giáo phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân. “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải tiên ưu hậu lạc nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”9 và “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”.

Người nhắc nhở mỗi thầy giáo, cô giáo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức nhà giáo mẫu mực. Người nhấn mạnh: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”. Có thể nói, đạo đức là nền tảng quan trọng vậy nên trong giáo dục mặc dù giáo viên vẫn còn thiếu nhưng để bảo đảm chất lượng giáo dục – đào tạo và vì lợi ích lâu dài của sự nghiệp trồng người, Đảng ta kiên quyết yêu cầu: “Không bố trí người kém phẩm chất làm giáo viên, kể cả giáo viên hợp đồng”10. Đây là quan điểm rất quan trọng khi tuyển chọn và bố trí cán bộ, trong đó có nhà giáo.

Ngược lại, có đức mà không có tài “thì làm việc gì cũng khó”. Một giáo viên yếu kém về năng lực sư phạm, hạn chế về tri thức chuyên môn, kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp thì khó lòng mang lại bài học hiệu quả, kích thích tư duy, trí tuệ của người học. Học trò trước hết là sản phẩm của thầy giáo. Học trò “ngồi nhầm lớp” được xem có cội nguồn từ việc thầy “đứng nhầm lớp”, thực trạng đó không chỉ gây nên bức xúc cho ngành giáo dục mà còn làm suy giảm lòng tin của xã hội đối với người thầy giáo, với ngành nghề vốn dĩ được coi là cao quý nhất. Có thầy giỏi mới có trò giỏi. Người giáo viên phải có trí tuệ và tài năng mới có thể đào tạo được những thế hệ công dân, cán bộ có tài cho xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một người thầy giáo giỏi không có nghĩa là phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại, vì tri thức nhân loại vô cùng rộng lớn, tuy nhiên, người giáo viên cần không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Trên tinh thần nắm vững quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, để xứng đáng là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình. Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi thì người đó là dốt nhất”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải mình. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Muốn có tri thức thì phải học. Về thăm thầy và trò Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc tháng 9-1949 (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Người đã đặt bút ghi trong trang đầu quyển sổ vàng của nhà trường “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Theo Bác, học ở đây không phải là làm quan to, quan nhỏ mà là học để có tri thức, học để có đạo đức cách mạng, “học để làm việc”, để nuôi sống bản thân mình, nuôi sống gia đình và làm giàu cho xã hội. Người thầy cũng vậy, phải học những tri thức tự nhiên, xã hội,… tiếp thu tích lũy những kiến thức trong quá trình học tập, từ đó áp dụng linh hoạt, sáng tạo những tri thức mình đã học vào thực tiễn làm việc thì mới gặt hái được kết quả. Người thầy nêu gương rõ nét nhất khi có trách nhiệm đi tiên phong trong việc tự học, tự nghiên cứu nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được phân công. Đây không chỉ là một trong những đặc thù của người trí thức, mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó còn là nhiệm vụ hàng đầu của trí thức, của nhà giáo – “chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Ngoài việc nhắc nhở các thầy giáo phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Người cũng lưu ý một vấn đề hết sức quan trọng đó là học tập chính trị, vì “có học tập lý luận Mác – Lênin thì mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết về trình độ chính trị mới làm nòng cốt công tác Đảng giao phó”. Trong giáo dục, Người nhắc nhở các thầy giáo và các nhà quản lý giáo dục cần quan tâm đến phương pháp giáo dục, phải am hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn giảng dạy, bởi vì: “muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội”11. Tài của người giáo viên còn thể hiện ở chỗ linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy không được phép “câu nệ”, “hình thức”, “nhồi sọ” mà phải biết “quý hồ tinh bất quý hồ đa” và “việc cốt yếu là phải làm cho học sinh thấu hiểu vấn đề”. Tài của thầy giáo còn thể hiện ở khả năng biên soạn giáo án, tài liệu, cập nhật tài liệu học tập, hiểu biết sâu sắc người học. Đây là năng lực quan trọng, nhờ có sự gia công về mặt sư phạm mà nội dung tri thức, bài học được chuyển tải phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ, kinh nghiệm của người học và tri thức được mang tính mới mẻ, hiện đại. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động dạy và học thì thầy giáo phải rèn luyện mình thêm trong thực tiễn đấu tranh của xã hội, tiếp thu lấy chất lượng sống ở đó mà truyền lại cho thế hệ trẻ: “Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng cần tham gia vào những công tác xã hội ích nước lợi dân”. Những kiến thức thực tiễn đó mới thật là dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng thế hệ đang lớn lên.

Lời Bác dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức” cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn tươi mới, thiết thực đối với ngành Giáo dục – Đào tạo, là kim chỉ nam cho các thế hệ những người làm công tác “trồng người”. Đảng, Nhà nước và nhân dân đang tạo điều kiện tốt để ngành Giáo dục – Đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả của mình. Thiết nghĩ, để xứng đáng là “người thầy” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi thầy giáo, cô giáo cần luôn có ý thức rèn đức – luyện tài, tự tu dưỡng, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, yêu nghề – yêu người, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, sai trái trong giáo dục. Tự mình phấn đấu trở thành người nhà giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học xứng đáng là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý mà Bác Hồ đã dành tặng.

ThS. Phan Thị Hoài, Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

ThS. Hoàng Trung Thành, Trường Chính trị tỉnh Hà Nam

Theo ditichchutichhochiminh

Đức Lâm (st)

 

 

Bài viết liên quan