VỠ ÒA HẠNH PHÚC HAI TIẾNG ‘CÔ… YÊU’

Tiếng bập bẹ gọi “cô… yêu” của học trò có dấu hiệu của hội chứng tiền tự kỷ như một “phép màu” cho tình yêu thương của cô giáo mầm non đang ngày ngày tận tâm và bền bỉ với nghề.

Cô Nguyễn Thị Ngân (SN 1993) – giáo viên tại trường mầm non Liên Cơ (Võ Nhai, Thái Nguyên) vừa đạt danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư năm 2024. Đây là giải thưởng nhằm vinh danh những giáo viên, giảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác Đoàn do TƯ Đoàn trao tặng.

Cô Nguyễn Thị Ngân là 1 trong 99 Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư năm 2024.

Hạnh phúc vỡ oà

Sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Võ Nhai, cô Nguyễn Thị Ngân luôn mang trong mình ước mơ về bản giảng dạy. Sau khi tốt nghiệp, cô có 3 năm công tác tại thành phố Thái Nguyên.

Luôn trăn trở trước những thiệt thòi của các em học sinh vùng cao, cô giáo Ngân đã quyết tâm trở về, gắn bó với mảnh đất Võ Nhai để giúp các em vượt qua khó khăn và vẽ nên một tương lai tươi sáng. Nghĩ thông, cô Ngân đã quyết tâm làm đơn xin chuyển công tác về địa phương để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con trẻ.

Tại Võ Nhai, đa số các em nhỏ là người dân tộc thiểu số, một số bạn lớn gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng tiếng Kinh. Thêm vào đó, nhiều em mắc phải những bệnh lý đặc biệt như tăng động, tự kỷ trong khi nhận thức gia đình còn hạn chế.

Trong số các học trò, L.H.H.T. là cậu bé để lại trong cô giáo trẻ nhiều cảm xúc nhất. T. là một học sinh đặc biệt, em chậm nói và chỉ chơi một mình, ít tương tác với cô giáo và các bạn. Nhận thấy những biểu hiện bất thường này, cô Ngân đã chủ động liên hệ với phụ huynh của em T. để cùng đưa em đi khám. Kết quả cho thấy T. có những dấu hiệu của hội chứng tiền tự kỷ và được bác sĩ khuyến nghị nên được đi học thường xuyên hơn để tăng tương tác với bạn bè.

Thương cậu học trò nhỏ, cô Ngân quyết tâm dành nhiều thời gian hơn cho em. Mỗi ngày, cô đều kiên nhẫn trò chuyện một đối một, cùng em chơi những trò chơi đơn giản và tập nói. Ban đầu, T. không hợp tác và luôn quay mặt đi, nhưng cô Ngân vẫn không nản lòng mà nhẹ nhàng gần gũi, vuốt ve, kể chuyện cho em nghe.

Dần dần, những nỗ lực của cô giáo trẻ đã được đền đáp khi em T. bắt đầu tin tưởng, cởi mở hơn và tương tác lại. Phép màu xuất hiện vào một buổi tối, khi T. bập bẹ gọi “cô…yêu” khi đang ở cùng mẹ.

Khoảnh khắc nhận được cuộc gọi từ mẹ T., cô giáo trẻ đã vỡ òa hạnh phúc bởi cuối cùng em đã cất lên những tiếng nói đầu tiên. Giờ đây, T. đã có thể nói chuyện tự nhiên như các bạn bè đồng trang lứa khác. Cậu bé thường xuyên dụi đầu vào lòng cô như một cách để thể hiện tình cảm của mình.

Cô giáo trẻ hướng dẫn các em nhỏ trong giờ học.

“Chính vì lẽ đó, tôi đã quyết định biên soạn báo cáo sáng kiến để chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy trẻ tự kỷ. Hy vọng rằng, đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các đồng nghiệp, giúp mọi người có thêm những phương pháp mới để tiếp cận các em học sinh đặc biệt một cách hiệu quả hơn”, cô Ngân chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhà giáo trẻ còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của mình trong các vấn đề khác, đặc biệt là kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em. Đây là những báo cáo sáng kiến cấp thiết, bởi các em thường xuyên gặp phải các tình huống nguy hiểm khi ở gần ao, hồ, sông, suối hoặc dễ bị xâm hại do chưa nhận thức đủ.

Trong các báo cáo sáng kiến, cô giáo trẻ đặc biệt tâm đắc với ứng dụng quy tắc 5 ngón tay để hướng dẫn trẻ em phòng tránh xâm hại. Theo đó, mỗi ngón tay sẽ đại diện cho một nhóm người khác nhau và tương ứng với những hành động phù hợp. Ví dụ, ngón cái là dành cho người thân, ngón trỏ là bạn bè, và ngón út là người lạ mà trẻ cần tránh xa.

Buổi học về trò chơi dân gian của cô Ngân thu hút sự tương tác của học trò.

“Mẹ Ngân”

Từ bữa ăn đến giấc ngủ, cô Ngân đều lo liệu bằng tất cả sự tận tâm và tình yêu thương. Tình cảm ấy đã khiến nhiều em nhỏ chủ động gọi cô là “mẹ”, còn các phụ huynh thì luôn cảm ơn và đặt sự tin tưởng vào khả năng của cô giáo.

Cô Ngân tâm niệm rằng, thay vì hướng dẫn con trẻ một cách mệnh lệnh, hãy biến lớp học thành ngôi nhà thứ hai, nơi các em cảm thấy thoải mái và tự do vui chơi, chuyện trò. Để làm được những điều đó, cô giáo mầm non đầu tiên chắc chắn phải có lòng yêu trẻ, sau đó mới đến các yếu tố khác.

“Giảng dạy mầm non phải lấy tình thương làm gốc, phải yêu trẻ như con của mình thì mới tận tâm và bền bỉ với nghề”, cô Ngân khẳng định.

Đồng thời, cô nhấn mạnh, cô giáo mầm non cần phải trang bị một tâm thế vững vàng để có thể dành trọn sự tập trung cho trẻ. Nếu tâm trí bị phân tán bởi những mối bận tâm bên ngoài, sẽ rất khó để yêu thương và chăm sóc các em một cách chu đáo.

Về phía gia đình, cô Ngân luôn nhận được sự ủng hộ, cảm thông. Có thời điểm, bố mẹ chồng cô sẵn sàng trông con, rồi chồng sẵn sàng phụ giúp khi cần làm đồ dùng phục vụ cho việc dạy học.​

Nhà giáo trẻ luôn đổi mới phương pháp dạy để các em hứng thú hơn.

Theo cô Ngân, mầm non là bậc giáo dục đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, vì vậy đây là nền tảng vững chắc cho cả quá trình học tập sau này. Chính vì vậy, cô luôn tâm niệm rằng những “viên gạch đầu tiên” phải được đặt thật chắc chắn. Bởi lẽ, những kiến thức và kỹ năng được hình thành ở giai đoạn này sẽ tác động trực tiếp đến nhân cách và thế giới quan của trẻ.

Chính vì lẽ đó, nhà giáo trẻ luôn cẩn trọng trong từng lời nói và hành động. Ngay cả khi giao tiếp với đồng nghiệp thân thiết trên lớp, cô cũng buộc mình phải ứng xử chuẩn mực nhất. “Trẻ em như một tờ giấy trắng, những gì chúng ta viết lên đó sẽ in sâu vào tâm trí chúng. Vì vậy, việc giáo dục trẻ cần sự tỉ mỉ, linh hoạt và nhất quán”, cô giáo trẻ chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngân (bên phải ảnh) đã có nhiều thành tích nổi bật.

Một số thành tích nổi bật của cô giáo Nguyễn Thị Ngân:

– Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác trong năm học 2021 – 2022 và 2022 – 2023;

– Giấy khen thưởng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023 cấp huyện;

– Tác giả 2 báo cáo sáng kiến kinh nghiệm kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm đạt cấp huyện;

– Đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non tỉnh Thái Nguyên năm học 2022 – 2023;

– Đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp học Mầm non huyện Võ Nhai năm học 2023 – 2024.

Bài viết liên quan