Làm dân vận trên sóng nước Trường Sa

Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vào tháng 4-2024 thể hiện vẹn tròn nghĩa tình Đà Nẵng – Trường Sa, lan tỏa sâu rộng công tác dân vận trong tuyên truyền lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ông Nguyễn Văn Long (thứ 2, bên phải sang) được đoàn công tác thành phố Đà Nẵng mời tham gia đoàn, ra đảo Song Tử Tây gặp con trai là Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh (bên phải). Cuộc gặp đầy xúc động, thể hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Ảnh: G.P
Ông Nguyễn Văn Long (thứ 2, bên phải sang) được đoàn công tác thành phố Đà Nẵng mời tham gia đoàn, ra đảo Song Tử Tây gặp con trai là Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh (bên phải). Cuộc gặp đầy xúc động, thể hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Ảnh: G.P

Giữ vững truyền thống

Trong tim mỗi người dân Việt, người Đà Nẵng luôn có Trường Sa. Kiên cường giữa trùng khơi, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, quân và dân Trường Sa luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng dành tình cảm lớn lao, quý báu, trọn vẹn. 70 thành viên trong đoàn công tác đến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK14 thực sự đong đầy nghĩa tình Trường Sa. Mỗi thành viên đoàn công tác thực sự là “dân vận viên”.

Đến với Trường Sa hôm nay, đoàn công tác đã thấy một diện mạo mới đầy sức sống, toát lên tinh thần lẫn ý chí của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió. Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự thành phố cho biết, việc bố trí thân nhân đi thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa là để tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân – dân, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đồng thời góp phần động viên bộ đội yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Trần Văn Liên (Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn đặc công nước 471) lần thứ 2 sau 49 năm trở lại Trường Sa bồi hồi kể lại cuộc hành quân của đơn vị tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975. “Sau khi tham gia cùng các lực lượng vào giải phóng và tiếp quản thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975, đầu tháng 4-1975 chúng tôi (Tiểu đoàn Đặc công nước 471) được giao nhiệm vụ phối hợp với Đoàn 126 Đặc công Hải quân tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa. Đêm 11-4-1975, các tàu tham gia giải phóng Trường Sa được lệnh nhổ neo rời quân cảng Đà Nẵng. Lúc 9 giờ ngày 29-4-1975, lá cờ đỏ sao vàng bách chiến, bách thắng của quân ta đã phần phật tung bay trên đảo Trường Sa và quần đảo Trường Sa được giải phóng… Trở lại thềm lục địa biển đảo, đặt chân lên các đảo nơi mình từng chiến đấu sau 49 năm, cựu chiến binh Trần Văn Liên như trẻ thêm nhiều tuổi. “Tôi vô cùng biết ơn chính quyền thành phố đã tạo điều kiện cho tôi trở lại chiến trường xưa, đây là món quá vô giá trong suốt cuộc đời binh nghiệp. Nay tuổi đã cao nhưng nguyện tiếp tục lan tỏa giá trị về hình ảnh người lính Hải quân, xung kích tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Liên nói. Có mặt trên đảo Sinh Tồn như một nhân chứng sống của một phần lịch sử ở quần đảo Trường Sa, ông Liên được cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn trìu mến “Chào thủ trưởng”.

Đến với Trường Sa hôm nay, cũng là đến với nơi cách đây 36 năm, 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc tại khu đảo đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, trong đó có những người con của Đà Nẵng. Anh Phan Văn Quang (giáo viên sử Trường THPT Trần Phú) xúc động bày tỏ: “Không còn là những dòng chữ trong sử sách, các giáo viên dạy sử của ngành giáo dục thành phố khi đến thăm đảo Cô Lin đã thực sự thấu hiểu tinh thần chiến đấu của 64 liệt sĩ Gạc Ma mà thế hệ hôm nay và mai sau khắc cốt ghi tâm. Khi trở lại thành phố, những bài giảng về lịch sử vẻ vang của quân và dân Trường Sa sẽ theo tôi truyền đạt đến những thế hệ học sinh”.

Đại biểu đoàn công tác thành phố tặng hạt giống rau đến chiến sĩ đảo Cô Lin để tăng gia, sản xuất rau xanh. Ảnh: G.P
Đại biểu đoàn công tác thành phố tặng hạt giống rau đến chiến sĩ đảo Cô Lin để tăng gia, sản xuất rau xanh. Ảnh: G.P

Lan tỏa công tác dân vận trong tuyên truyền chủ quyền biển, đảo

Đoàn công tác quá đỗi xúc động và vui mừng khi bác Nguyễn Văn Long (61 tuổi) được ra đảo thăm con trai Nguyễn Quang Vinh hiện, Chính trị viên Cụm chiến đấu số 3, đảo Song Tử Tây. Vinh là sỹ quan hải quân tại Đà Nẵng được điều động tăng cường công tác Trường Sa. Cuộc gặp gỡ cha con trên đảo tiếp thêm động lực để Vinh an tâm công tác. Một năm qua, công tác trên đảo, Vinh là cây sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Quân chủng Hải quân về “Xanh hóa Trường Sa”. Vinh kể: “Ở Trường Sa có rất nhiều điều mới mẻ, rất khác biệt với đất liền, như trồng rau, ưu tiên các loại như rau ngót và rau muống đất, có thể phát triển trên đất bạc màu đồng thời thân, rễ của chúng cũng góp phần cải tạo đất”. Tiếp sức cùng cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa gieo mầm xanh trên đảo đá san hô, đại biểu Lê Hoàng Thúy (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã gói gém nhiều loại hạt giống rau ra làm quà.

Chị Huỳnh Thị Kim Lương (Ủy viên BCH Liên đoàn Lao động thành phố) tự hào và xúc động sau khi kết thúc hải trình, chia sẻ: “Với trách nhiệm là cán bộ công đoàn, sau chuyến đi này tôi sẽ lan tỏa, tuyên truyền sâu rộng về tinh thần “tất cả vì Trường Sa thân yêu” đến cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, để từ đó mỗi cá nhân tiếp tục phấn đấu, rèn luyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tiếp tục động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa cả về tinh thần, vật chất, tiếp thêm sức mạnh để các chiến sĩ yên tâm canh giữ bình yên vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Phạm Văn Hòa, mỗi người dù ở cơ quan, đơn vị, lĩnh vực công tác khác nhau nhưng điểm chung là trong tận sâu thẳm mỗi người có một nội lực về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu Tổ quốc rất sâu sắc. Khi được gặp gỡ, trực tiếp động viên các cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng công tác ở Trường Sa, bản thân mỗi người sẽ có trách nhiệm lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo quê hương đến với đảng viên.

Cựu chiến binh hải quân Trần Văn Liên (bên trái) và Khổng Duy Đỉnh tại đảo Sinh Tồn sau 49 năm trở lại Trường Sa nơi họ đã tham gia đoàn quân ra giải phóng quần đảo Trường Sa vào tháng 4-1975.             Ảnh: G.P
Cựu chiến binh hải quân Trần Văn Liên (bên trái) và Khổng Duy Đỉnh tại đảo Sinh Tồn sau 49 năm trở lại Trường Sa nơi họ đã tham gia đoàn quân ra giải phóng quần đảo Trường Sa vào tháng 4-1975. Ảnh: G.P

Sau chuyến đi công tác này, tôi đã cảm nhận và thấu hiểu được về những khó khăn, vất vả, hy sinh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng, xem đảo là nhà, biển cả là quê hương. Cùng với cuộc sống của những người dân trên đảo, ngư dân vươn khơi bám biển…, là những công trình lưu dấu hồn cốt bao đời của cha ông khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chứng kiến sự kiên trung, can trường của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi hải đảo xa, tôi như được tiếp thêm nguồn sức mạnh để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình, cống hiến thật nhiều tác phẩm báo chí chất lượng. Tôi cũng luôn ý thức rằng, mình cần phải lan tỏa tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương tới bạn bè, người thân, góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

GIA PHÚC

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Bài viết liên quan