KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH VỚI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH

Nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi lan truyền, tiếp tay, cổ súy những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Đồng thời, những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, né tránh không dám đấu tranh với các quan điểm xấu, độc cũng cần được nhận diện và lên án vì những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Gắn kết chặt chẽ yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên, học viên, sinh viên về lòng yêu nước.

Gắn kết chặt chẽ yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên, học viên, sinh viên về lòng yêu nước.

Lâu nay, trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân luôn nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động, tích cực, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những thông tin xấu, độc để bảo vệ tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ những thành quả của công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm giữ vững con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng một số người thiếu ý thức, trách nhiệm có hành vi lan truyền, dung túng, tiếp tay những quan điểm sai trái, thù địch, thậm chí tán phát các thông tin xấu, độc chống phá chế độ, gây bất ổn xã hội cần phải được đấu tranh, lên án.

Tuy nhiên, còn có một tình trạng nguy cơ nguy hại không kém là những người có biểu hiện bàng quan, vô cảm, vô trách nhiệm trước thông tin sai sự thật, thấy đúng không bảo vệ, lan tỏa, nhân rộng; thấy điều sai trái, thông tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc không dám đấu tranh, phản bác. Đáng lo ngại trong số này có cả những cán bộ, đảng viên đang công tác tại các cơ quan nhà nước. Biểu hiện dễ nhận thấy ở những người này đó là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, né tránh đấu tranh, sống ích kỷ, suy nghĩ hẹp hòi, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, không quan tâm đến các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội đang diễn ra chung quanh; thờ ơ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, không quan tâm đến việc đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, thông tin xấu, độc. Thậm chí những người này còn cố tình biện minh rằng đó không phải trách nhiệm của mình.

Với quan điểm và lối sống như vậy, những cá nhân này ngày càng trở nên chây ỳ, lười biếng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trốn tránh học tập lý luận chính trị, bỏ bê việc rèn luyện đạo đức cách mạng, xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thậm chí coi thường nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Do đó dù mang danh là “công bộc, đầy tớ” của nhân dân nhưng những cán bộ, đảng viên này không những không gương mẫu đi đầu trong đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của đất nước, của nhân dân mà còn sống kiểu “mũ ni che tai”, “dĩ hòa vi quý”, “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, không quan tâm đến điều gì khác ngoài việc thu vén cho lợi ích cá nhân mình, thờ ơ với tất cả chỉ miễn sao lợi ích của mình không bị tổn hại.

Đồng thời trong xã hội cũng xuất hiện một bộ phận quần chúng nhân dân, trong đó có không ít người trẻ lựa chọn cách sống vị kỉ, chỉ sống vì mình, cho mình, không quan tâm những thứ ngoài bản thân mình. Vì thế những cá nhân này trong cuộc sống ngày thường, cũng như khi tham gia mạng xã hội, dù thường xuyên bắt gặp những luận điệu sai trái, thù địch, những thông tin xấu, độc xuyên tạc chế độ, bôi nhọ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ Đảng, chính quyền, bôi nhọ lịch sử của dân tộc, phủ nhận những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, bịa đặt những thông tin sai trái liên quan việc thực hiện dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam… nhưng họ đã chọn cách mặc kệ, không quan tâm, không bày tỏ ý kiến. Nhiều người cho rằng, việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bảo vệ chủ nghĩa xã hội là việc của Đảng, của Nhà nước, của cơ quan chức năng chứ không phải là nhiệm vụ của người dân cho nên từ chối can dự vào để “tránh phiền phức”.

Hầu hết những người này quan niệm rằng, chỉ cần mình im lặng, không hùa theo những quan điểm sai trái, thù địch, không tham gia lan truyền những thông tin xấu, độc, không cung cấp thông tin hoặc tiếp tay cho người khác hay trực tiếp có những hành vi cụ thể chống phá Đảng, chính quyền là đã làm đúng phận sự.

Tuy nhiên, đây là nhận thức chưa đúng đắn bởi chính sự lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm, né tránh trách nhiệm, không lên tiếng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vô hình trung đã tạo cơ hội cho những quan điểm xấu, độc ngày càng lan rộng, giúp các đối tượng chống phá có điều kiện để hướng lái, dẫn dắt dư luận, gây hoang mang, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trong một số trường hợp, chính sự bàng quan, thờ ơ, vô cảm, né tránh trách nhiệm là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho hành vi chống phá Đảng, chống phá chính quyền của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tại nhiều địa phương chưa được phát hiện sớm để kịp thời ngăn chặn, xử lý, từ đó để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế này cho thấy sự bàng quan, vô cảm, vô trách nhiệm trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là có lỗi với đất nước, với nhân dân. Thậm chí có quan điểm còn cho rằng: “Sự im lặng của những người tốt còn nguy hiểm hơn sự tàn nhẫn của những kẻ xấu”.

Đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên, sự bàng quan, thờ ơ, vô cảm, né tránh trách nhiệm trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng bởi tước đi sự nhiệt tình, hăng hái và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; làm suy giảm uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý của Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội. Từ đây cũng khiến những cán bộ, đảng viên này trở thành tấm gương xấu nằm trong hệ thống chính trị, tác động tiêu cực đến nhận thức của nhân dân và sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Những cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh bàng quan, thờ ơ, vô cảm, né tránh trách nhiệm chẳng khác gì người “tự lấy tay che mắt mình”, “tự lấy bông bịt tai mình”, “tự lấy băng dính dán miệng mình”, tự mình chặt đứt sợi dây kết nối cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân, với tổ chức, cơ quan, đơn vị, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ đã tự gạt mình ra khỏi đội ngũ của Đảng, vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động.

Cho nên đây có thể xem là những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta chỉ rõ; đồng thời cũng chính là những điều mà đảng viên không được làm theo Quy định về những điều đảng viên không được làm (số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021) của Ban Chấp hành Trung ương: “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.

Để trị tận gốc căn bệnh bàng quan, vô cảm, vô trách nhiệm, né tránh không dám đấu tranh với các thông tin sai trái, xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước hiện nay đòi hỏi cần triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau: Trước hết, phải tăng cường và đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để mỗi người nhận thức rõ, đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ; phải thường xuyên quán triệt cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân không ngừng nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ chủ nghĩa xã hội vì đây chính là nhằm bảo vệ cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, cơ hội phát triển toàn diện và tương lai tốt đẹp cho mỗi người. Do đó, đây không phải là trách nhiệm của riêng tổ chức, cơ quan, lực lượng chức năng nào mà cần phải xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, lan tỏa rộng rãi các tấm gương sáng, những cách làm hay trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”; làm tốt hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những điển hình tiên tiến từ đó sẽ có tác dụng khuyến khích, động viên và tạo động lực để mỗi người có sự quyết tâm và cố gắng đóng góp nhiều hơn nữa vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ngoài ra cần hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám lên tiếng tố cáo và đấu tranh mạnh mẽ với những quan điểm thù địch, những thông tin xấu, độc, những hành vi sai trái chống phá sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Riêng đối với cán bộ, đảng viên, để triệt phá tận gốc căn bệnh bàng quan, thờ ơ, vô cảm, né tránh trách nhiệm trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên về mọi mặt nhất là rèn luyện về lập trường tư tưởng, quan điểm chính trị, đạo đức cách mạng; đẩy mạnh công tác phê bình và tự phê bình, công khai đánh giá, nhận xét, phân loại cán bộ để kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người thoái hóa, biến chất./.

Theo: Nhân dân

Bài viết liên quan