Nông nghiệp công nghệ cao: Hướng đi tất yếu nhưng hiệu quả chưa cao

Tại hội thảo “Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm an toàn khu vực miền Trung-Tây Nguyên” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 26-6, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu, tuy nhiên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nên hiệu quả ban đầu chưa cao…

Đà Nẵng đang có nhiều hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.                           Ảnh: NAM TRÂN
Đà Nẵng đang có nhiều hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: NAM TRÂN

Ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp trên cả nước triển khai thực hiện, nhất là từ sau khi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch…

Tuy nhiên, ứng dụng CNC trong nông nghiệp mới chỉ tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thế mạnh, một số doanh nghiệp lớn.

Theo ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, trong điều kiện hạn chế về quy mô diện tích đất nông nghiệp như Đà Nẵng và định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển nông nghiệp bền vững.

Do đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là xu thế của hội nhập phát triển, là giải pháp công nghệ hiệu quả tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, là cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Làm rõ hơn về thực tế này, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố Đặng Văn Hồng cho rằng, mức độ sản xuất và ứng dụng CNC trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu so với kỳ vọng.

Việc đầu tư hạ tầng, kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhưng quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, nguồn cung sản phẩm không ổn định chính là rào cản lớn trong việc phát triển thị trường và tạo thương hiệu riêng cho nông nghiệp thành phố.

Để khắc phục những khó khăn nói trên, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng có nhiều giải pháp, tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm.

Theo đó, doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn thành phố được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng, nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bảo quản, tưới tiêu) nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án…

Cùng với đó, thành phố Đà Nẵng đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng và chương trình “mỗi xã một sản phẩm”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu hiện trạng và trao đổi những kinh nghiệm để có các giải pháp phát triển nền nông nghiệp CNC phù hợp và bền vững trong thời gian đến ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đã xây dựng được gần 23.000ha rau, hoa, cây đặc sản, gần 20.000ha cà-phê, trên 6.000ha chè và trên 90ha sầu riêng tại Đạ Huoai, sản xuất theo hướng nông nghiệp CNC.

Các mô hình này đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước hình thành các phương thức sản xuất mới, hiện đại, thu nhập và đời sống của nhân dân được nâng lên thấy rõ.

Theo bà Vi, doanh nghiệp là hạt nhân nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn đã áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hệ thống quản lý khoa học và xây dựng thương hiệu gắn với thị trường tiêu thụ.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, an toàn thực phẩm; đồng thời, chủ động ban hành các chính sách đặc thù của từng địa phương để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng.

Bài viết liên quan