CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC XÂY DỰNG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC TRUNG ƯƠNG TRONG NHỮNG NĂM 1945 – 1954 – BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆC HOÀN THIỆN BỘ MÁY NHÀ NƯỚC
Những năm 1945 – 1954, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quá trình xây dựng Nhà nước Việt Nam non trẻ, giúp bộ máy nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị Việt Nam nói chung dần được hoàn thiện, đáp ứng những đòi hỏi bức thiết mà sự nghiệp cách mạng đề ra.
Trong giai đoạn hiện nay, những kinh nghiệm, bài học quý báu rút ra từ quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng bộ máy nhà nước vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.
Xây dựng bộ máy nhà nước những năm 1945 – 1954 dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Giai đoạn 1945 – 1946
Trong giai đoạn này, hệ thống chính trị của Việt Nam có nhiều đảng phái hoạt động, trong đó bên cạnh các đảng phái ủng hộ cách mạng (nổi bật là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam), còn có một số đảng phái đối lập và phản cách mạng cùng tồn tại trong hệ thống (điển hình là Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội (Việt Cách). Bối cảnh chính trị rối ren cùng sức ép của các thế lực phản động trong và ngoài nước buộc Đảng Cộng sản Đông Dương phải quyết định tuyên bố tự giải tán vào tháng 11-1945, thực chất là rút vào hoạt động bí mật để tiếp tục lãnh đạo cách mạng.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 28-8-1945, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Hồ Chí Minh giữ vị trí Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Do các hình thức chính quyền tiền Cách mạng tháng Tám chưa phải là bộ máy nhà nước hoàn chỉnh, cũng chưa do nhân dân bầu ra bằng tổng tuyển cử, nên một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của Chính phủ cách mạng lâm thời là khẩn trương chuẩn bị điều kiện cần thiết để tổ chức càng sớm càng tốt một cuộc tổng tuyển cử toàn quốc. Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”(1). Chính phủ lâm thời đã thể hiện rõ quyết tâm của mình thông qua việc ban hành một loạt chính sách, tạo khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sự kiện đặc biệt quan trọng này.
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tuy nhiên, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động đã cản trở không nhỏ tiến trình tổ chức Tổng tuyển cử. Luận điệu xuyên tạc của thế lực phản động xoay quanh những vấn đề, như “kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử vì rằng trình độ dân trí của ta còn thấp kém(!), trên 90% dân số mù chữ nên không đủ năng lực thực hiện quyền công dân của mình, rằng cần tập trung chống Pháp xâm lược không nên mất thì giờ vào bầu cử, v.v.. và v.v..”(2). Mục đích của Việt Quốc, Việt Cách cùng những nhóm chống phá khác là ngăn chặn hợp thức hóa chính quyền cách mạng, bởi điều đó gần như chắc chắn sẽ gián tiếp loại phần lớn trong số họ khỏi đời sống chính trị đất nước. Đấu tranh với lực lượng phản động, các báo Cứu quốc, Sự thật đã liên tiếp đăng những bài báo nêu rõ bản chất cách mạng của chính phủ lâm thời, góp phần đập tan những luận điệu vô căn cứ của các thế lực thù địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”(3).
Cuộc đấu tranh không chỉ nóng ở mặt trận tuyên truyền, mà còn rất quyết liệt trong vấn đề đàm phán, thương lượng. Nhằm tạo bầu không khí ổn định cho Tổng tuyển cử, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ lâm thời đã chủ trương cố gắng nhân nhượng, hòa giải với các lực lượng chống phá. Ngày 2-12-1945, Chính phủ ký với Việt Quốc, Việt Cách bản Biện pháp đoàn kết gồm 14 điều chính và 4 điều phụ, qua đó thừa nhận 70 ghế không qua bầu cử cho họ, thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời để Việt Quốc, Việt Cách được giữ một số ghế trong Chính phủ.
Nhờ những chính sách nhân nhượng cần thiết, vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn, kiên quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã tập hợp được sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân, hạn chế tối đa sự chống phá của kẻ thù, từ đó thực hiện nhanh chóng nhất có thể cuộc Tổng tuyển cử toàn dân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Những chủ trương sách lược và biện pháp trên đây đã “làm thất bại âm mưu của quân Tưởng muốn tiêu diệt chính quyền nhân dân, bảo đảm cho nhân dân ta tập trung sức kháng chiến chống xâm lược của thực dân Pháp ở miền Nam. Chính quyền nhân dân không những được giữ vững mà còn được củng cố về mọi mặt”(4). Ngày 6-1-1946, Tổng tuyển cử diễn ra trong không khí phấn khởi của toàn dân. Dù ở cả ba miền, các thế lực phản động, thù địch luôn chống phá quyết liệt, đặc biệt ở miền Nam, nhân dân phải đi bỏ phiếu dưới bom đạn của kẻ thù, nhưng cuộc bầu cử vẫn kết thúc thành công. Tổng kết lại, “nhìn chung ở cả 71 tỉnh thành trong cả nước, 89% tổng cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số”(5).
Sau khi cuộc Tổng tuyển cử kết thúc, Chính phủ gấp rút chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I. Sau những cố gắng thương lượng, bàn thảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ với lực lượng đối lập, ngày 25-2-1946, hội nghị liên tịch giữa Việt Minh, Đảng Dân chủ, Việt Quốc và Việt Cách đã thống nhất đề nghị với Quốc hội những nội dung chính sau(6): 1- Thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến chính thức gồm 10 bộ, trong đó Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ để các vị không thuộc đảng phái nào nắm giữ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông công chính, Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp do Việt Minh và Đảng Dân chủ nắm giữ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, Bộ Xã hội và Bộ Canh nông do Việt Quốc và Việt Cách nắm giữ, Bộ Giao thông công chính và Bộ Canh nông dành cho các đại biểu Nam bộ; 2- Thành lập Ủy viên kháng chiến để chuyên lo công việc kháng chiến; 3- Thành lập Quốc gia cố vấn đoàn do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy làm trưởng đoàn.
Ngày 2-3-1946, phiên họp đầu tiên của Quốc hội mang ý nghĩa lịch sử trọng đại. Dù chưa bàn được những quyết sách lớn, nhưng Quốc hội đã thành lập được một số cơ quan quan trọng của Nhà nước là: Ban Thường trực Quốc hội, Cố vấn đoàn, Kháng chiến uỷ viên hội và quan trọng nhất là Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Việc thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, cơ quan quyền lực điều hành cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, tổng động viên nhân lực và tài lực quốc gia, là một quyết sách đúng đắn của Quốc hội vào thời điểm lịch sử lúc đó. Nhờ vậy, bộ máy nhà nước ở Trung ương đã được hoàn thiện thêm một bước. Việc trao nhiều quyền cho Chính phủ đã giúp “bảo đảm cho Chính phủ đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện mọi chức năng, nhiệm vụ đối nội và đối ngoại, trước mắt là đàm phán thực hiện sách lược tạm hoà hoãn với Pháp, tiếp tục củng cố chính quyền cách mạng, bồi bổ thực lực, chuẩn bị lực lượng để chiến đấu bảo vệ tổ quốc khi tình thế bắt buộc quân và dân ta phải kháng chiến trong cả nước”(7).
Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I là dấu mốc quan trọng khác trong quá trình củng cố bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là ở cấp Trung ương. Trong quá trình họp bàn, thảo luận, các đại biểu đã tỏ rõ sự tiến bộ cả về ý thức trách nhiệm cũng như tinh thần của một đại biểu dân cử với những ý kiến sôi nổi về nhiều vấn đề lớn của đất nước. Quốc hội đã ủy nhiệm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra lập chính phủ mới, biểu quyết thông qua danh sách chính phủ mới. Nhận định về Chính phủ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái… Theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”(8).
Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới, được soạn thảo bởi Tiểu ban dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng Tiểu ban, được Quốc hội khóa I thông qua vào ngày 9-11-1946. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên quy định đầy đủ cấu trúc, tổ chức của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản chất của nhà nước này được nêu rõ trong Điều thứ 1 như sau: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”(9). Về tổ chức bộ máy nhà nước ở cấp trung ương, Nghị viện nhân dân được quy định là cơ quan có quyền cao nhất, do công dân Việt Nam bầu ra, có quyền giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài. Nghị viện bầu một Nghị trưởng, hai Phó Nghị trưởng, 12 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết để lập thành ra Ban thường vụ (Điều thứ 27)(10). Chính phủ gồm có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch và Nội các (bao gồm Thủ tướng – người đứng đầu nội các và các Bộ trưởng, Thứ trưởng) (Điều thứ 44)(11). Tất cả thành viên của Chính phủ, trừ Phó Chủ tịch nước và các Thứ trưởng, đều phải là đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước có quyền chọn Thủ tướng, Thủ tướng có quyền chọn các Bộ trưởng để Nghị viện biểu quyết. Ngành Tư pháp gồm có tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp; các Thẩm phán đều do Chính phủ trực tiếp bổ nhiệm, và khi xét xử hình sự phải có sự tham gia của phụ thẩm nhân dân (Điều thứ 64, 65)(12). Ở cấp địa phương, hệ thống cơ quan nhà nước bao gồm Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính, Tòa án (đệ nhị cấp – tòa án cấp tỉnh và thành phố xét xử phúc thẩm, tòa án sơ cấp ở huyện xét xử sơ thẩm và ban tư pháp ở cấp xã).
Giai đoạn 1946 – 1954
Do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ máy nhà nước từ Trung ương tới địa phương được xác lập về cơ bản theo Hiến pháp năm 1946 không có điều kiện vận hành như một chính quyền dân sự bình thường. Với đặc điểm của một Quốc hội kháng chiến, cuối tháng 12-1946, Quốc hội Việt Nam khóa I đã thống nhất cao về việc tập trung quyền lực vào Chính phủ, chỉ duy trì Trưởng Ban Thường trực Quốc hội cùng Chính phủ để bảo đảm vai trò của Quốc hội trong các quốc sách lớn; còn các đại biểu Quốc hội khác sẽ chủ động hoàn thành nhiệm vụ của mình tùy theo năng lực, vị trí và hoàn cảnh kháng chiến cụ thể. Sau đó, theo diễn biến thực tế, đại diện của Quốc hội hoạt động cùng Chính phủ đã có lúc mở rộng hơn thành Ban Thường vụ Quốc hội (như quyết định vào tháng 2-1950 gồm Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng, Tôn Quang Phiệt, Dương Đức Hiền, Trần Huy Liệu, Phạm Bá Trực) hoặc rộng hơn là Ban Thường trực Quốc hội. Điều đó cho thấy, đặc điểm quan trọng nhất về tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam giai đoạn này là “do hoàn cảnh chiến tranh, chiến trường bị chia cắt, công tác kháng chiến trên mọi mặt trận rất khẩn trương cho nên Quốc hội không có điều kiện để họp định kỳ như trong thời bình. Quyền lực tập trung vào Chính phủ”(13).
Trong điều kiện như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò là người đứng đầu Chính phủ đã tiếp tục gánh vác những trọng trách lịch sử lớn lao để bảo đảm bộ máy nhà nước được xây dựng theo hướng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19-12-1946, bộ máy nhà nước cơ bản được chuyển đổi sang mô hình thời chiến: ở cấp Trung ương gồm Chính phủ kháng chiến và Ban Thường vụ Quốc hội; ở cấp địa phương gồm các Ủy ban kháng chiến. Để tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước thời chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung các chức vụ, cơ quan chuyên trách công tác kháng chiến thông qua nhiều quyết định quan trọng, như ký Sắc lệnh số 110/SL, ngày 20-1-1948, để thụ cấp Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, bổ nhiệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội vào tháng 7-1948; ký Sắc lệnh số 206/SL, ngày 19-8-1948, thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; ký Sắc lệnh số 141/SL, ngày 16-2-1953, thành lập Thứ Bộ Công an, rồi thông qua Hội đồng Chính phủ để đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an vào tháng 6-1953;…
Cùng với công cuộc kháng chiến, tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước theo hướng pháp quyền cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng. Đơn cử, để nâng cao hiệu quả xây dựng văn bản pháp luật và điều chỉnh Hiến pháp nếu cần thiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 72/SL, ngày 18-6-1949, thành lập Hội đồng tư luật do Bộ Tư pháp chủ trì (từ năm 1950 Hội đồng này nằm dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Quốc hội). Dù rất khó khăn trong điều kiện chiến tranh, việc xây dựng nền dân chủ mới từ cấp cơ sở vẫn được Chính phủ và Ban Thường vụ Quốc hội nỗ lực duy trì. Ngoài tổ chức bầu lại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã sau khi kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo việc duy trì các kênh liên lạc mật thiết giữa chính quyền trung ương với các chính quyền và tổ chức kháng chiến địa phương, thể hiện qua những sự kiện, như các buổi tiếp và làm việc giữa đại diện Chính phủ, Quốc hội với Đoàn đại biểu Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ (tháng 9-1949), Đoàn đại biểu Nam Bộ (tháng 10-1949); các đoàn đại biểu thay mặt Chính phủ, Quốc hội đi thăm cơ sở (ở Liên khu Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV) trong năm 1951 để nắm bắt tình hình thực tế, giải thích các chính sách mới của Trung ương;… Một sự kiện điển hình quan trọng khác thể hiện nỗ lực bảo đảm tinh thần pháp quyền trước những thử thách của thời chiến là việc tổ chức kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa I tại Việt Bắc từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953. Dù gặp vô vàn khó khăn do sự chống phá quyết liệt của kẻ thù, nhưng việc triệu tập họp Quốc hội ở thời điểm này là yêu cầu bắt buộc, bởi chỉ phiên họp toàn thể của Quốc hội mới đủ thẩm quyền xem xét và thông qua Luật Cải cách ruộng đất – một chính sách đặc biệt lớn trong giai đoạn 1953 – 1956. Sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua, luật này đã được ban bố chính thức bằng Sắc lệnh số 197/SL, ngày 19-12-1953, của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là tiền đề để triển khai thí điểm các đợt giảm tô và cải cách ruộng đất từ ngày 25-12-1953 đến giữa năm 1954, tạo thêm động lực để quần chúng đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7-5-1954.
Trong giai đoạn này, để xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt lưu tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức và những người làm việc trong cơ quan công quyền, kết hợp nghiêm trị những trường hợp thoái hóa, biến chất. Nhiều luận điểm, tác phẩm quan trọng thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, công tác cán bộ và phòng, chống tham nhũng đã được ra đời trong khoảng thời gian này, tiêu biểu như: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”(14); “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”(15); “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm… Bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm”(16); “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính… Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”(17)… Cùng với hệ thống quan điểm chỉ đạo rất sâu sắc, khoa học, với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ra sức tham gia công tác phòng, chống tham nhũng bằng những biện pháp, như ra Sắc lệnh số 138/SL, ngày 18-1-1949, về tổ chức thanh tra Chính phủ, cho phép Thanh tra Chính phủ được thanh tra sự liêm khiết của các ủy ban kháng chiến hành chính và viên chức nhà nước (trước đó đã có Ban Thanh tra đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập bằng Sắc lệnh số 64/SL, ngày 23-11-1946, Ban này có quyền đỉnh chỉ, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Chính phủ hay Ủy ban Nhân dân phạm lỗi trước khi đưa ra xét xử).
Một số kinh nghiệm cho giai đoạn hiện nay
Nhìn lại quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo việc xây dựng bộ máy nhà nước Việt Nam những năm 1945 – 1954, có thể rút ra một số kinh nghiệm quan trọng cho giai đoạn hiện nay:
Thứ nhất, để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tinh thần thượng tôn pháp luật kết hợp với một hệ thống pháp luật văn minh phải được đặt lên hàng đầu. Dù không chính thức sử dụng khái niệm nhà nước pháp quyền, nhưng tư tưởng và quá trình hoạt động lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất sâu sắc nội hàm của nhà nước pháp quyền, “là nhà lãnh đạo chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra các quyết sách và lãnh đạo xây dựng nền pháp quyền của chế độ mới, trong đó tập trung ở xây dựng một nhà nước hợp pháp, hợp hiến và hệ thống pháp luật dân chủ”(18). Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan niệm và thực hiện trong những năm 1945 – 1954 cho thấy, một điều kiện cực kỳ quan trọng của nhà nước pháp quyền là phải có cơ chế pháp lý đủ mạnh để những người làm việc cho cơ quan công quyền, dù người đó giữ cương vị cao đến đâu, đều phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Cùng với đó, bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật bảo đảm quyền làm chủ rộng rãi của người dân cũng là một phương diện không thể thiếu khác để chứng minh sự tiến bộ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng.
Thứ hai, sự tinh gọn về tổ chức là tiền đề rất cần thiết của một nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Trong những năm 1945 – 1954, do “nhìn thấy nguy cơ “phình đại” của bộ máy hành chính quan liêu ở nước ta từ rất sớm”(19), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến yêu cầu tinh gọn về tổ chức của bộ máy nhà nước. Tháng 12-1945, khi được hỏi về việc tại sao Chính phủ liên hiệp kháng chiến chỉ có 10 bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”(20). Tháng 8-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”(21). Tháng 3-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra định nghĩa và tầm quan trọng của tinh gọn bộ máy nhà nước, “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các Ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản). Hiện nay, các cơ quan của ta người nhiều, việc ít, xài phí lu bù… Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại. Chúng ta phải dùng tinh thần bônsêvích mà thực hành một chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt. Nếu chúng ta không muốn dùng vốn liếng của ta vào những việc linh tinh, thì chúng ta phải thực hành ngay chế độ ấy”(22).
Thứ ba, cùng với năng lực chuyên môn, sự liêm khiết về đạo đức cách mạng của cá nhân, tổ chức là yêu cầu tối quan trọng để xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày 19-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”(23). Tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I cuối năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, “Tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”(24). Tháng 6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(25). Lịch sử đã chứng minh, những kinh nghiệm, bài học quý báu rút ra từ quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng bộ máy nhà nước những năm 1945 – 1954 vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp đổi mới của Việt Nam hiện nay./.
—————————-
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 7
(2) Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 – 1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 33
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 153
(4) Xem: Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 129
(5) Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 – 1960, Sđd, tr. 52
(6) Lê Mậu Hãn (Chủ biên): Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 1: 1945 – 1955, tr. 57
(7) Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 – 1960, Sđd, tr. 80
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 478
(9), (10), (11), (12) Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2009, tr. 6, 11, 15, 21
(13) Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội, Sđd, tr. 123
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 291
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 117
(16), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 249, 358
Theo: TCCS