Kỳ vọng du lịch khởi sắc

Thành phố thực hiện chủ đề năm 2022 “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế – xã hội”. Theo đó, ngay từ những ngày đầu năm mới, các đường bay quốc tế đã được nối lại, nhiều đường bay nội địa tăng tần suất khai thác… Đây là cơ sở để ngành du lịch tin tưởng vào bức tranh du lịch sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới.

Nhiều đường bay được nối lại trong năm 2022 sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút khách đến thành phố. TRONG ẢNH: Khách đến Đà Nẵng từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng dịp Tết Dương lịch 2022. Ảnh: THU HÀ
Nỗ lực làm mới, thích nghi trong bối cảnh mới

Dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen đi du lịch cũng như tiêu dùng của du khách. Vì vậy những người làm du lịch nhận thấy cần phải thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của du khách. Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Khu Du lịch Bắc Mỹ An Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng, đã đến lúc phải có các giải pháp đổi mới, thích ứng cho ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng trong xu thế bình thường mới.

Cụ thể là cần tái định vị ngành du lịch khách sạn, nhà hàng bằng cách: xác định dịch vụ cốt lõi của Đà Nẵng như du lịch MICE, ẩm thực, sức khỏe, du lịch thương mại giải trí cao cấp; làm sâu sắc thông điệp về du lịch Đà Nẵng thông qua các thương hiệu đã được khẳng định như: thành phố thân thiện mến khách an toàn, thành phố của những câu chuyện di sản, huyền thoại…

Đồng thời, để tăng thêm sức hút, theo ông Quỳnh, cần tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm du lịch bằng cách đầu tư thêm du lịch ẩm thực mua sắm về đêm, du lịch thẩm mỹ, dưỡng lão, du lịch đào tạo, du lịch MICE toàn cầu và chuyển đổi số; tập trung chất lượng sản phẩm và dịch vụ để tăng khả năng chi tiêu của khách. Song song đó, kết hợp các hãng hàng không xúc tiến kết nối quốc tế và mở thêm đường bay tới các thị trường tiềm năng…

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhìn nhận, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng quay trở lại. Các doanh nghiệp đã chuẩn bị hệ thống sản phẩm cũng như nguồn lực xúc tiến, sẵn sàng phối hợp các cơ quan chức năng để định vị nguồn khách đến Đà Nẵng trong năm 2022.

“Các doanh nghiệp tập trung cho nguồn khách nội địa trong nước, bao gồm cả khách tại chỗ và khách từ các địa phương lân cận. Với không khí lạc quan khi tình hình dịch bệnh được khống chế tốt cũng như việc triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng, dự báo Đà Nẵng sẽ đông khách nội địa vào tháng 5-6; đến tháng 7-8 sẽ đón được khách quốc tế từ thị trường chính như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… Các thị trường xa hơn sẽ dần phục hồi vào dịp cuối năm 2022”, ông Dũng phân tích.

Thành phố Đà Nẵng tăng cường đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, góp phần thu hút du khách. TRONG ẢNH: Du khách tham quan, chụp ảnh tại cầu tình yêu, quận Sơn Trà. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: XUÂN SƠN
Đổi mới hoạt động xúc tiến

Để tạo được sức hút đối với du khách, ngành du lịch Đà Nẵng đã tăng cường, đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Với hai kịch bản đón khách trong năm 2022, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An cho hay, trung tâm cũng xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể tới từng đối tượng khách nội địa và quốc tế theo thông điệp “Enjoy Danang – Tận hưởng Đà Nẵng”.

Theo đó, xác định khách nội địa tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong phục hồi du lịch năm 2022, ngành chú trọng truyền thông điểm đến an toàn, bảo đảm thông tin về tình hình dịch bệnh, các quy định được cập nhật thường xuyên; đồng thời thực hiện quảng bá các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tươi mới, nhấn mạnh yếu tố trải nghiệm để thu hút khách, nhất là khách trẻ. Đối với khách du lịch quốc tế, năm 2022 vẫn là giai đoạn triển khai các chính sách mở cửa để đánh giá sự quay trở lại của các thị trường khách.

Theo nghiên cứu định hướng thị trường khách quốc tế do đơn vị tư vấn Outbox Consulting phối hợp triển khai cùng Trung tâm Xúc tiến Du lịch, từ tháng 10 đến tháng 12-2021, đến quý 2-2022 chỉ có Hàn Quốc và Singapore đạt mức phục hồi trung bình; phục hồi tốt từ quý 1-2023 và có thể trở lại bình thường từ quý 3-2023, các thị trường còn lại sẽ chậm hơn.

Do đó, với thị trường quốc tế, trước mắt trung tâm sẽ tập trung vào thị trường trọng điểm truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, thị trường gần Đông Nam Á, thí điểm mở cửa với các tour trọn gói khép kín theo hình thức hộ chiếu vắc-xin. Từ quý 3, quý 4-2022 sẽ đón khách quốc tế nhập cảnh là chuyên gia, người lao động, khách tour; khách có nhu cầu du lịch dài ngày và mở rộng đối tượng khách lẻ…

Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, để đạt được các mục tiêu trong năm 2022, ngành đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó triển khai công tác phòng, chống Covid-19; có các giải pháp, biện pháp đồng bộ tại từng cơ sở kinh doanh du lịch, bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh.

Cùng với đó, ngành triển khai có hiệu quả kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch thành phố Đà Nẵng theo phương châm “Chủ động – thích ứng – linh hoạt để đạt hiệu quả khôi phục du lịch và bảo đảm an toàn cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng”; xây dựng và triển khai các hoạt động, sự kiện, chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2022…

Ngành du lịch sẽ tăng cường triển khai chuyển đổi số; đầu tư công nghệ số phát triển du lịch thông minh, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn… ; thí điểm thẻ du lịch thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch và hệ thống giám sát du lịch thông minh; nâng cấp cổng thông tin du lịch Đà Nẵng và ứng dụng Danang Fantasticity theo hướng đồng bộ, tất cả dịch vụ du lịch trong một ứng dụng; nghiên cứu triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh vào việc quản lý khách tham quan, dã ngoại tại bán đảo Sơn Trà…

THU HÀ

Bài viết liên quan