Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”
Ngày 25/10/2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Trong đó có những điểm mới được điều chỉnh, bổ sung rất quan trọng.
Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ta đặc biệt coi trọng và khẳng định đây là nhiệm vụ then chốt, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ tính từ Đại hội XI (năm 2011) đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, đặc biệt là các hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương ba khóa liên tiếp (khóa XI, XII, XIII) đều bàn và thống nhất ban hành nghị quyết chuyên đề, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Hội nghị Trung ương 4 khóa XII ban hành Nghị quyết “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII ban hành Kết luận số 21-KL/TW “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Trong đó, Kết luận số 21-KL/TW (gọi tắt là Kết luận 21) có nhiều điểm mới điều chỉnh, bổ sung so với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII.
Trước hết phải nói đến điểm mới về mở rộng phạm vi, Kết luận 21 không chỉ đề cập đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị. Đây là một yêu cầu khách quan vì Đảng ta tuy giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội nhưng Đảng không đứng ngoài hệ thống chính trị, không phải là nhân tố độc lập hoàn toàn với hệ thống chính trị. Vì vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng cần phải coi trọng việc xây dựng hệ thống chính trị, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Điểm mới thứ hai là việc bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái. Điểm này được thể hiện ngay trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực… Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, “tiêu cực” sát hợp tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân”. Đây là chính là những bổ sung làm rõ thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên thời gian qua mà Đại hội XIII đã đánh giá “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”.
Điểm mới trong nhiệm vụ, giải pháp, Kết luận Trung ương 4 khóa XIII chỉ rõ phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mới.
Thứ nhất, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu. Trong đó, nhấn mạnh, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Thực hiện thí điểm một số chủ trương: Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình, bí thư cấp uỷ giới thiệu để bầu uỷ viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, bảo đảm xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí, thông qua sản phẩm cụ thể, chất lượng, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Gắn đánh giá cá nhân với tập thể, kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Thứ hai, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Tập trung vào phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát người đứng đầu thực hiện trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề, tập trung giám sát cán bộ, đảng viên có lời nói, việc làm biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”… Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình, thực hiện trách nhiệm nêu gương và khắc phục khuyết điểm của tập thể, cá nhân.
Ngoài ra một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cũng có điểu chỉnh, bổ sung một số nội dung cụ thể như: nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách, xác định việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; cơ chế bảo vệ, khuyến khích nhân dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực; đề cao thực hiện thẩm quyền tạm đình chỉ công tác của người đứng đầu đối với cán bộ cấp dưới để kiểm tra, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật. Nhóm nhiệm vụ về phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, có bổ sung việc phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và việc hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở để thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…
Để Kết luận 21 đi vào cuộc sống thiết thực, hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành cần nắm vững những nội dung cơ bản, cốt lõi của Kết luận; nhận thức rõ trách nhiệm của mình; gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và triển khai thực hiện Kết luận với tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao nhất./.
(nguồn Tác giả bài viết: Thanh Sơn)