Từ một cuộc họp không giấy
TỪ MỘT CUỘC HỌP KHÔNG GIẤY
Dự hội nghị ký kết chương trình phối hợp thực hiện chuyển đổi số công tác hậu cần quân đội giữa Tổng cục Hậu cần và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) mới đây, các đại biểu đều rất ấn tượng trước công tác chuẩn bị của ban tổ chức.
Trên các dãy bàn trong phòng họp, tất cả vị trí ngồi đều có bảng điện tử ghi chức danh, cấp bậc của đại biểu cùng máy tính bảng cá nhân nhỏ gọn tích hợp các tài liệu liên quan đến nội dung cuộc họp. Đây là “cuộc họp không giấy”, thể hiện đúng tinh thần nội dung chuyển đổi số mà chương trình ký kết đang hướng tới.
Theo tài liệu “Cẩm nang về chuyển đổi số” của Bộ Thông tin và Truyền thông, xuất bản năm 2021, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Với khái niệm như vậy, có thể thấy, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu đối với mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó có quân đội.
Nhận thức rõ điều đó, những năm gần đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, giải pháp, ban hành kế hoạch về xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) và chuyển đổi số trong quân đội.
Theo đó, ngày 4-11-2021, Bộ Quốc phòng đã ban hành Kế hoạch số 4396/KH-BQP về “Phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Kế hoạch xác định mục tiêu trong giai đoạn đầu (2021-2023) tập trung triển khai các nhiệm vụ để hoàn thành chỉ tiêu phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số được Chính phủ giao; xây dựng các văn bản pháp lý, triển khai thí điểm những giải pháp kỹ thuật tại một số cơ quan, đơn vị; hình thành các kho dữ liệu tập trung, liên kết liền mạch, thống nhất, an toàn.
Giai đoạn 2024-2025, về cơ bản mô hình, phương thức hoạt động của các cơ quan, đơn vị được thiết kế lại theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, vận hành dựa trên dữ liệu số và công nghệ số.
Có thể thấy khối lượng công việc để chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng từ nay đến năm 2025 là rất lớn. Để thực hiện thành công mục tiêu đã xác định, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự chung tay của các cơ quan chức năng, nghiệp vụ chuyên môn và mỗi cán bộ, nhân viên.
Trước hết, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong quân đội nói riêng tới mỗi cán bộ, nhân viên, nhất là những người làm công tác trực tiếp đến nhiệm vụ chuyển đổi số.
Các cơ quan, đơn vị cần phát huy tối đa nguồn lực, tổ chức đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những nội dung thiết thực, hiệu quả để làm trước, rút kinh nghiệm, từ đó triển khai nhân rộng, tiến tới thực hiện đồng bộ các mục tiêu mà kế hoạch đã xác định.
Đồng thời, chú trọng quan tâm công tác bồi dưỡng, chăm lo xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm về công nghệ thông tin; tổ chức tập huấn kiến thức chuyển đổi số cho các đối tượng, bảo đảm từ lãnh đạo, chỉ huy đến đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn đều được cập nhật kiến thức mới, thành thạo các kỹ năng liên quan đến số hóa…
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, kế hoạch chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng mới bảo đảm thành công, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
-:- Báo QĐND -:-