Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn
CHUYỂN ĐỔI SỐ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI VÌ MỘT CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN CHO NGƯỜI DÂN
Ngày 22 tháng 4 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là một ngày ý nghĩa với công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh chủ trương chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong các văn kiện Đại hội. Nội dung về chuyển đổi số được đề cập đến nhiều lần trong các văn kiện Đại hội XIII; được đưa vào Báo cáo chính trị thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị.
Trên cơ sở đó, ngày 3 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm tuyên ngôn về chuyển đổi số. Năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số. Năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn mới theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngày 22 tháng 4 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 505/QĐTTg lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với ý nghĩa số 1 và 0 là hai số của hệ thống số nhị phân – là ngôn ngữ của công nghệ thông tin và công nghệ số; gắn với chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông Ngày Chuyển đổi số quốc gia hằng năm bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp điều kiện thực tế. Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 là “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.
Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia sẽ là hoạt động thường niên để đánh giá kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia không chỉ mang ý nghĩa chào mừng, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã tham gia vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, mà còn là dấu mốc để đánh giá hoạt động chuyển đổi số hằng năm.
Đối với tỉnh Ninh Bình, ngày 20/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ TU về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm thực hiện chuyển đổi số gắn liền với tiếp tục xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử/Chính quyền số sẽ là động lực quan trọng, là cách tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp công nghệ lần thứ tư trên địa bàn tỉnh một cách nhanh chóng, đưa tỉnh Ninh Bình bứt phá vươn lên đạt mục tiêu về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, các cấp, các ngành vào cuộc quyết tâm, đồng bộ. Việc thực hiện chuyển đổi số được tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đã đạt được những kết quả quan trọng: mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống đường truyền Internet, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh; các hệ thống thông tin dùng chung trọng yếu của tỉnh được vận hành, khai thác ổn định, hiệu quả.
Ninh Bình nằm trong top đầu của cả nước về tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến (59,34% – xếp thứ 3). Tỷ lệ gửi nhận, ký số văn bản điện tử, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng đạt 100%; thực hiện báo cáo trên hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ đạt 100%. Ninh Bình là một trong 6 địa phương được Trung ương biểu dương có thành tích trong Đề án 06 của Chính phủ; là 1 trong 5 tỉnh, thành phố được vinh danh có thành tích tiêu biểu trong tổ chức triển khai chủ trương cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2021, kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2020). Với những kết quả bước đầu trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong thời gian qua là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân tỉnh về Ngày chuyển đổi số 10-10, Sở Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch số tuyên truyền Ngày chuyển đổi số và tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực như tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về Ngày chuyển đổi số trên mạng Internet, biên tập tài liệu và tuyên truyền trên các ấn phẩm của Trung ương và địa phương về Chủ đề “Tháng 10 – Tháng tiêu dùng số” nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân trong tỉnh sử dụng kênh số, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số nhiều hơn, được hưởng thụ lợi ích trực tiếp do chuyển đổi số mang lại.
Nguồn: Báo Ninh Bình