Tìm hiểu về những sáng tạo lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc phạm trù của chủ nghĩa Mác – Lênin, mang bản chất khoa học và cách mạng. Cũng như chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống mở, luôn luôn được phát triển theo dòng chảy của chung của trí tuệ và cách mạng thế giới. Hồ Chí Minh là nhân vật hiếm có trên thế giới hiểu biết sâu sắc và vận dụng nhuần nhuyễn các giá trị tư tưởng, lý luận, văn hóa, đạo đức của Phương Đông và Phương Tây. Thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự kết hợp giữa giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại và chủ nghĩa Mác – Lênin thông qua những phẩm chất tốt đẹp của Người.
Trên con đường ra đi tìm đường cứu nước, đứng trước Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là nhiệm vụ tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc để đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc do thực dân Pháp đã cướp mất từ cuối thể kỷ thứ XIX. Con đường đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc của các dân tộc thuộc địa lúc đó chưa có sẵn. Bởi vậy, sự tìm tòi con đường cứu nước của Hồ Chí Minh phải dựa trên sự sáng tạo từ thực tiễn của đất nước và thời đại. Toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh – hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện và sâu sắc của cách mạng Việt Nam là sự sáng tạo vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những sáng tạo lý luận cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể khái quát trong 10 vấn đề với các quan điểm và luận điểm cụ thể như sau:1. Về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người
– Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng con người của chủ nghĩa Mác – Lênin trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, kết hợp nhuần nguyễn và sáng tạo vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người trong cách mạng Việt Nam.
Hoàn cảnh lịch sử cho sự kết hợp đó là chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, trên thế giới xuất hiện vấn đề dân tộc thuộc địa; độc lập, tự do của các dân tộc trở thành vấn đề thời đại, mà C.Mác, F.Ăngghen chưa có điều kiện lịch sử để đề cập đến. Từ thực tiễn của nước Nga Sa hoàng và thế giới sau Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lênin đã đề cập đến sự kết hợp giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản trong “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Tiếc rằng trong những năm sau đó, V.I. Lênin chưa có nhiều điều kiện để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện. Người nắm lấy và vận dụng sáng tạo tư tưởng đó là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Bối cảnh của sự vận dụng tư tưởng của V.I. Lênin là những khảo nghiệm trước đó của Hồ Chí Minh. Trên đường tiếp cận chân lý cứu nước, Hồ Chí Minh đã tìm hiểu Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1791 của cách mạng Pháp, hiểu rõ chân lý bất di bất dịch về quyền cơ bản của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Vì vậy, khi tiếp cận Luận cương của Lênin lần đầu tiên trên Báo Nhân Đạo của Đảng xã hội Pháp, số tháng 7-2020, Hồ Chí Minh đã coi “đây là cái cần thiết cho chúng ta” và khẳng định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác cách mạng vô sản”.
– Sáng tạo nổi bật của Hồ Chí Minh là đặt mục tiêu giải phóng dân tộc lên trên hết và trước hết. Ngay trong những văn kiện đầu tiên của Đảng, Hồ Chí Minh đã viết về sự cần thiết phải tiến hành “trước làm cách mạng quốc gia (hiểu là cách mạng giải phóng dân tộc) sau làm cách mạng thế giới (tức cách mạng xã hội chủ nghĩa). Từ trong thực tế chỉ đạo cách mạng, năm 1941, khi thành lập Mặt trận Việt Minh, Người chỉ rõ: trong lúc này, phải đem sức ta mà giải phóng cho ta. Độc lập dân tộc lúc này mà không giành lại được, thì quyền lợi giai cấp ngàn vạn năm cũng không đòi lại được. Năm 1946, Người ra lời kêu toàn quốc kháng chiến: “…Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Tư tưởng về việc đặt lợi ích dân tộc lên trên, lên trước được thể hiện cụ thể trong lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước năm 1966 bằng một khẩu hiệu, mang một chân chân lý bất hủ, có giá trị cho mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
– Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc có sự sáng tạo lớn, khi Người khẳng định chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc là một động lực lớn của đất nước. Năm 1924, từ sự phân tích đặc điểm giai cấp, dân tộc ở các nước phương Đông, Hồ Chí Minh khẳng định: Đối với các dân tộc thuộc địa ở phương Đông, “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”; “người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên cái động lực vĩ đại và duy nhất trong đời sống của họ”. Người kiến nghị về Cương lĩnh hành động của Quốc tế Cộng sản: “Phát động chủ nghĩa dân tộc nhân danh Quốc tế Cộng sản … Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi … nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”.
– Sáng tạo trong tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính thời đại và được chứng minh bằng thực tế thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ quan điểm chung: cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường của cách mạng vô sản; Cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp đoàn kết của toàn dân; “cách mạng không phải là việc riêng của một số người…”; cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc; cách mạng giải phóng dân tộc phải được thực hiện bằng sự kết hợp lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ trang trong nhân dân; được tiến hành dưới hình thức tổng khởi nghĩa toàn dân… Thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước cộng hòa dân chủ Việt Nam, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á đã khẳng định sự sáng tạo trong tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh.