Tháng 7 tri ân “Thế hệ của một thời Hoa lửa và Sống đẹp”
Tháng 7, tháng Tri ân, Tháng Đền ơn đáp nghĩa, Tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng: Cả Nước đã và đang long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017) trong bối cảnh Tổ quốc đang vững vàng một tâm thế sẵn sàng hội nhập.
Trong nhiều sự kiện và hoạt động rất thiết thực đã, đang và sẽ diễn ra trong tháng cả nước tri ân, một tập sách (do chính những người đã đi qua cuộc chiến và đã đối mặt trực tiếp với sự hủy diệt lạnh lùng của đạn bom, sự khắc nghiệt đến cùng tận của nhà tù, của cuộc sống nơi chiến khu,… cùng biết bao đau thương không kể hết bằng lời của mất mát, của tang thương khi non sông bị xâm lược, bị chia cắt), từ khi có mặt trong đời sống văn hóa đọc, đến nay, đã được nhiều thế hệ độc giả đón nhận với tất cả sự trân trọng….
“Người của một thời” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2017), là tập sách được ra đời với “mong muốn ghi lại đôi nét về chân dung của những người cùng thời, vốn có nhiều gắn bó với nhau, như những kỷ niệm không quên, như lòng tưởng nhớ của người còn sống, đối với người đã khuất và cả mong muốn trả được, trong muôn một, món nợ đối với cuộc đời.
Đó là những người đã bao bọc chở che, những người bạn chiến đấu, những nhà giáo, những tu sỹ, những chính khách, những người lao động vất vả gặp tình cờ, trong những năm tháng khốc liệt ấy….Họ có hoàn cảnh sống, nghề nghiệp tâm tư, suy nghĩ khác nhau. Nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm chung: Lòng Yêu Nước và khát vọng Hòa bình-Thống nhất Tổ quốc.
Những Nhà giáo “xả thân” theo tiếng gọi kháng chiến
Trong Người của một thời, bên cạnh những chân dung đã trở thành nhân vật của truyền thông quốc tế và trong nước, như Bác sỹ Phạm Thị Xuân Quế – người được nhắc đến khá đậm nét trong bộ phim lịch sử chiến tranh nổi tiếng “Việt Nam-Một thiên lịch sử bằng truyền hình/Vietnam A Television History” (nguyên tác là nghiên cứu khảo luận của Nhà Sử học, Nhà báo nổi tiếng Hoa Kỳ, Stanley Karnow, cuốn “Vietnam: A History”), …. còn có những người “cũng nổi tiếng” mà lần đầu, qua tập sách này, độc giả mới có dịp tiếp cận.
Trong “Bức chân dung dở dang”, các tác giả đã “thưa thật về bức chân dung của một con người” được phác họa chỉ “trên những chi tiết rời rạc quá ít ỏi”, cuối cùng, “đành liều lĩnh thử phác họa đôi nét thô-nhạt về chân dung Thầy Trương Văn Thông, qua vài chi tiết trong dăm lá thư còn lại mà Thầy đã viết gửi cho vợ con, trong những ngày tháng bị giam cầm ở các nhà lao Đà Nẵng, rồi bị đày ra Côn Đảo”.
Là Nhà giáo ái quốc, thoát ly tham gia kháng chiến, bị địch bắt, chịu cảnh tù đày, rồi trở thành chiến sỹ Vệ quốc đoàn. Năm 1954, lẽ ra được tập kết ra Bắc, nhưng lại không đi được, Thầy quay về lại Đà Nẵng và phải chịu cảnh “Tố Cộng-Diệt trừ tận gốc mọi mầm mống Cộng sản” vô cùng tàn ác và đẫm máu của anh em nhà họ Ngô đang diễn ra trên một nửa đất nước.
Quân đội Sài Gòn đi càn và đốt nhà dân, đẩy dân phải vào sống trong ấp chiến lược. Tình cảnh này đã buộc đồng bào miền Nam phải đứng lên đòi lại độc lập, tự do, thống nhất, chấm dứt chiến tranh hủy diệt. -Ảnh tư liệu của Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh). |
May mắn lắm, “người cán bộ 9 năm” ấy mới không bị phát hiện, để rồi, từ năm 1960, Thầy tiếp tục “nối lại đường dây”, đảm nhận trách nhiệm của Hội Giáo chức Giải phóng Đà Nẵng (một tổ chức mà chỉ cần nghe đến cái tên, cũng đủ để nhà cầm quyền lúc đó đày tất cả hội viên ra Côn Đảo).
Giai đọan 1964-1968, trong ngôi nhà không lấy gì rộng rãi lắm (ở địa chỉ ngày nay là số nhà 66, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đà Nẵng), vợ chồng Thầy đã nuôi giấu nhiều cán bộ. Không thể nào ghi và tả hết được những nguy hiểm mà vợ chồng Thầy cùng gia đình phải chịu đựng trong 4 năm ấy.
Thầy Trương Văn Thông còn nổi tiếng là to gan, lớn mật khi dùng chiếc xe Vespa Italia chở ông Ba Phước (tức đồng chí Hồ Nghinh, lúc đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thuộc Khu ủy V) ra khỏi Đà Nẵng một cách an toàn. Những người chứng kiến nhớ và kể lại câu chuyện này không khỏi rùng mình vì lúc đó, nhà cầm quyền treo thưởng với số tiền rất lớn cho bất kỳ ai “chỉ điểm hay bắt Ba Phước tức Hồ Nghinh giao nộp cho nhà chức trách quốc gia”. Thầy Thông chở ông Ba Phước ung dung ra khỏi nội thành Đà Nẵng, giữa lúc cả một bộ máy mật vụ, chiêu hồi, cảnh sát, an ninh, tình báo, quân đội ngụy quyền (đã và) đang giăng lưới truy lùng ráo riết, quyết bắt cho được người đứng đầu Thành ủy Cộng sản.
Chưa hết, gia đình Thầy còn có nhiều “kỷ niệm” nhắc lại là “nổi da gà” với nhiều cán bộ lãnh đạo trong kháng chiến như ông Hà Kỳ Ngộ (lúc đó là Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thuộc Khu ủy V, sau đó là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, phụ trách đấu tranh chính trị), ông Phan Duy Nhân (cán bộ cốt cán của phong trào học sinh, sinh viên đô thị miền Nam, hoạt động trực tiếp ở Đà Nẵng và TP Huế. Ông là hình mẫu của nhân vật nhà thơ Phan Trịnh trong tiểu thuyết :”Học phí trả bằng máu” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Sau ngày giải phóng ông làm Phó Trưởng ban, Ban Dân vận tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), rồi Quyền Trưởng ban, Ban Tôn giáo TƯ. Ông Phan Duy Nhân vừa qua đời sáng ngày 8/7/2017).
Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ – một trong hai tác giả của tập sách – phát biểu tại Đêm sinh hoạt kỷ niệm Ngày truyền thống Học sinh-Sinh viên (9 tháng 1) và ôn lại lịch sử Phong trào đấu tranh yêu nước của Thanh niên – Học sinh – Sinh viên – Trí thức – Văn nghệ sỹ trước 1975. Ảnh: Nguyệt Quế. |
Và các tác giả, đã khóc thầm khi viết những dòng cuối cùng (vào Sổ tang) được nhắc lại trong tập sách: “Anh không còn nữa nhưng tình cảm và những họat động anh dành cho cách mạng còn sống mãi trong chúng tôi. Mãi mãi nhớ Anh.Thay mặt anh chị em trong Hội lúc bấy giờ. Lê Công Cơ”. Các tác giả còn đầy thổn thức: Không ai tạc tượng để thờ phụng một con người bình thường, nhưng ra đi, để lại tình cảm quý trọng trong lòng người thân quý, có gì tốt đẹp hơn. Bức chân dung có lẽ … đã bớt đi những dở dang, thô-nhạt, bởi câu chuyện đã kết thúc trọn vẹn, có thủy, có chung và rất có hậu.
Một Nhà giáo khác cũng lưu lại một chân dung ấn tượng trong tập sách: Thầy Nguyễn Phúc.
Đó là ông Thầy dạy Lịch sử, có chất giọng khàn khàn, nửa Huế, nửa Quảng, là người hoàng tộc nhưng lại không bênh vực Triều Nguyễn. Khi giảng về thời kỳ Liên quân Pháp-Tây Ban Nha đánh vào Đà Nẵng, uy hiếp kinh thành Huế, Thầy hết lời ca ngợi Tướng – sỹ Nguyễn Tri Phương đã anh dũng chiến đấu đến khi ngã gục dưới chân Thành Điện Hải. Thầy đã truyền tinh thần đó cho học trò với một thái độ đớn đau khi Nước mất, nhà tan… Học trò Thầy sau đó, như hiểu ý của Thầy, có người thoát ly ra vùng giải phóng, có người ở lại nội thành hoạt động sâu trong lòng địch rồi bị tù đày.
Một chương trình Văn nghệ “Hát cho đồng bào tôi nghe” của Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng (diễn ra tại Hội trường trường trung học Phan Châu Trinh-Đà Nẵng, trước 1975). -Ảnh do các tác giả cung cấp. |
Bản thân Thầy cùng với một vài cơ sở nội thành, bị địch bắt, đưa ra giam tại lao Thừa Phủ (Huế), rồi chuyển về giam ở các nhà lao Đà Nẵng (1966-1968). Ra tù, Thầy lại tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến 1975. Có thể nói, phong trào đấu tranh của học sinh-sinh viên Đà Nẵng, Huế đều gắn bó với Thầy.
Thầy không tiếc công sức tiền của cho các hoạt động của phong trào. Không riêng Thầy cả gia đình đều toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng. Dù cái giá phải trả Thầy cũng đã trả. Thầy trở thành chỗ dựa quý báu cho bao người trẻ, từ đó, dám đứng lên và đi tới, dám dấn thân và xả thân vì sự nghiệp vĩ đại của cả dân tộc.
Nhiều người không là học trò của Thầy, nhưng đều nhận mình là học trò Thầy Phúc và xem Thầy như tấm gương về sự lựa chọn của một trí thức, chấp nhận tất cả hiểm nguy, chấp nhận tất cả nghèo khó của cuộc sống, không than vãn để đi cùng với “Đất Nước, với Cách Mạng và với Cuộc Đời này”.
TS. Huỳnh Văn Hoa (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP, trước khi nghỉ hưu là Bí thư Đảng ủy khối các Cơ quan TP) đã thay mặt Anh chị em tham gia phong trào đấu tranh đô thị Đà Nẵng, viết: Thầy đã sống trọn cuộc đời với niềm tin vào lẽ phải và sự lương thiện. Thầy đã để lại cho anh em, bè bạn, học trò bao thế hệ cũng ngần ấy giá trị.
Rằng là, những trăn trở suy tư, bất bình của Thầy về bao điều của sự thế, nói như Nguyễn Du, những điều trông thấy mà đau đớn lòng, sẽ không trôi theo thời gian. (bài viết của TS. Huỳnh Văn Hoa được đăng trên báo Đà Nẵng; các tác giả đã xin phép đăng nguyên văn lại trong tập sách).
Thầy Nguyễn Phúc qua đời tháng 10/2011, sau khi đã dự buổi gặp mặt đầy cảm động, được gặp lại biết bao thế hệ học trò, mà chính Thầy là Người đã thắp lửa yêu Nước trong lòng họ: Buổi gặp mặt kỷ niệm 40 Tổng Đoàn Học sinh-Sinh viên Đà Nẵng.
Đội Văn nghệ Đại học Duy Tân tái hiện phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trong một chương trình Họp mặt Truyền thống (9/1/2015).Ảnh: Nguyệt Quế. |
Nhớ một thời hoa lửa và sống đẹp
Đọc Người của một thời, chân dung đậm-nhạt của một thế hệ “dám chấp nhận gian khổ, tù đày, bị tra tấn và bị thủ tiêu lúc nào không hay, để đi với cách mạng đến phút cuối” nhiều lắm. Không ít người chưa hề được sử sách, báo chí nhắc đến (dù mỗi tấm gương hy sinh lẫm liệt ấy, xứng đáng được như thế); và do vậy, cũng chỉ có người trong cuộc, người đã từng “nằm gai, nếm mật, cùng hoạt động ở nội thành, hay sống ở bưng biền, vui đời chiến khu” mới biết.
Đó là các anh Nguyễn Văn Sơn (bí danh Sơn Hải) , một trong những người nòng cốt của Hội Liên hiệp Thanh niên – Học sinh – Sinh viên Giải phóng Trung Trung bộ, tham gia hoạt động từ những năm 1960, với địa bàn hoạt động chính là Đà Nẵng. Anh Sơn Hải chính là người đã giác ngộ và thắp sáng (chữ dùng các tác giả) ngọn lửa lòng yêu nước trong lòng nhiều thanh niên đất Quảng ngày ấy. Tháng 10/1965, anh bị bắt. Bị tra tấn dã man và kết án 5 năm tù. Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968, quân Giải phóng đã đánh chiếm nhà lao Thừa Phủ, giành lại tự do cho toàn bộ anh em tù chính trị. Anh Sơn Hải gia nhập vào đoàn quân ấy, chiến đấu, đánh địch rồi hy sinh (trong những trận đánh nối tiếp của chiến dịch Mậu Thân).
Đó là một Nguyễn Nhung (bạn cùng thời của các nhân vật Nguyễn Lương Ý, Nguyễn Sơn Hải). Câu chuyện về Nguyễn Nhung kể về cuộc đời một con người, mà cuộc đời ấy gắn lại gắn với tù đày, lao khổ suốt 10 năm (1965-1975) ở các nhà lao từ Quảng Tín (Tam Kỳ ngày nay) đến Thừa Thiên-Huế và chiến trường cao nguyên Boloven (Lào) rồi Trị Thiên. Con người dữ dội ấy phải qua 2 lần kết nạp Đảng mới trở thành đảng viên.
Người của một thời có những trang viết rất dữ dội và đầy nghiệt ngã về chiến tranh cũng như những câu hỏi, những cật vấn cũng dữ dội, không khoan nhượng của 2 tác giả trước những vấn đề của hôm nay.
Tác giả thứ hai của tập sách: Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật. Quê quán: Giao Thuỷ, Đại Hoà, Đại Lộc, Quảng Nam. Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật đã tham gia phong trào học sinh – sinh viên và ông có nhiều bài thơ in trên báo chí tranh đấu từ năm 1969 và tạp chí Đối Diện (từ năm 1971). Sau 1975 đến nay, thơ và bài viết của ông đã in trên khoảng 80 báo, tạp chí. Ông đã xuất bản riêng và chung khoảng 40 tuyển tập thơ. -Ảnh: T.N. |
Chiến tranh. Xin có một đoạn trích mà các tác giả đã công phu sưu tầm để đưa vào tập sách như một minh chứng cho cái dữ dội và đầy nghiệt ngã ấy “Chú biết không – lời một người dân bám trụ ở huyện Phú Vang, kể với Nhà báo Phạm Hữu Thu, lúc đó là Biên tập viên VTV tại Huế – , ngày ấy (hồi chiến tranh) đây là nơi trồng khoai. Tay, chân của thương binh (các chiến sỹ giải phóng, du kích quân), sau khi cắt bỏ đã đem ra chôn ở đây.
Chúng tôi cho đào hai bên vồng khoai rồi đem lấp, nếu chôn lung tung, lỡ chó tha, địch thình lình ập đến, trơ tay không kịp thi chết cả lũ”.
Đám đất ngày ấy, giờ đã là cánh đồng xanh mượt, nhưng lão nông Nguyễn Xuyên (sinh 1922, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) không thể nào quên, nơi đó từng là những nấm mồ chôn từng phần cơ thể của các chiến sỹ.
Trong đất ấy, có máu, có thịt, có xương của những người yêu nước mà chấp nhận đánh đổi cái quý giá nhất trong cuộc đời một con người, mà đánh đổi ngay khi (các Anh, các Chị) còn rất trẻ.
Đọc đến đây đã thấy đau quặn cả ruột, nhưng các tác giả của tập sách vẫn đẩy câu chữ lên cao trào: Ở đâu trên mảnh đất đau thương này mà không có những nấm mồ của những liệt sỹ vô danh ? Đấy là những người có được một nấm mồ. Còn biết bao nhiêu người đã chết mà không tìm được hài cốt (?). Một thống kê vào tháng 7/2014 (nghĩa là sau hàng chục năm tìm kiếm, quy tập), cả nước vẫn còn 214.000 liệt sỹ chưa tìm được hài cốt.
Những nấm mồ vô danh hay cả những thi thể không còm tìm thấy, giờ đây đã rã tan trong đất, giờ đây vẫn còn lại ký ức. Ký ức là lịch sử. Và lịch sử đôi khi được viết bởi những người dân thôn chài (Đọc “Sợ, mà thương lắm” – Người của một thời, trang 289-308).
Sống đẹp và những trăn trở cuối dòng
Người của một thời đã góp phần làm phong phú thêm cho chứng tích của cuộc chiến tranh mới “im tiếng súng” cách đây 42 năm. Nhưng dư âm và hậu quả của nó thì vẫn còn vang vọng.
Có bài đọc đoạn dạo đầu đã thấy xốn xang, nhưng các tác giả của tập sách vẫn đẩy câu chữ lên cao trào ở phần sau: Ở đâu trên mảnh đất đau thương này mà không có những nấm mồ của những liệt sỹ vô danh ? Đấy là những người có được một nấm mồ. Còn biết bao nhiêu người đã chết mà không tìm được hài cốt (?). Một thống kê vào tháng 7/2014 (nghĩa là sau hàng chục năm tìm kiếm, quy tập), cả nước vẫn còn 214.000 liệt sỹ chưa tìm được hài cốt.
Những nấm mồ vô danh hay cả những thi thể không còm tìm thấy, giờ đây đã rã tan trong đất, giờ đây vẫn còn lại ký ức. Ký ức là lịch sử. Và lịch sử đôi khi được viết bởi những người dân thôn chài (Đọc “Sợ, mà thương lắm” –Người của một thời, trang 289-308).
Nhớ một thời xuống đường, đập tan xích xiềng, đòi tự do, độc lập và thống nhất Tổ quốc (ảnh bìa cuốn Lịch sử phong trào đô thị Huế – Nhà Xuất bản Trẻ). |
Nhìn lại thế hệ mình, các tác giả đầy tự hào (và có quyền tự hào) về “Chân dung của một lớp người trẻ tuổi biết sống. Và đã chọn một cách sống đúng với tiếng gọi của dân tộc và thời đại: SỐNG QUÊN MÌNH”.
Sống quên mình trong hoàn cảnh “Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam Việt Nam và dội bom ác liệt lên miền Bắc đã dẫn đến những phong trào chống Mỹ, đòi hòa bình, tố cáo tội ác chiến tranh … vô cùng mạnh mẽ tại khắp các đô thị miền Nam”, có lẽ và có thể là – hai tác giả Lê Công Cơ-Nguyễn Đông Nhật nhấn mạnh: Hiện tượng duy nhất trong lịch sử loài người !
“Một cuộc chiến kéo dài 20 năm giữa những người không một tấc sắt trong tay với một đối phương được trang bị đầy đủ các phương tiện đàn áp, giết chóc. Đến nay, dường như vẫn chưa có những tác phẩm phản ảnh được nhiều khía cạnh của cuộc đấu tranh này.
Từ lâu, nhiều người đã hỏi và chờ đợi.
Một câu hỏi bật ra, liệu thế hệ ngày ấy, không dám xuống đường, không dám đấu tranh chống lại ngoại xâm và cường quyền, không dám từ bỏ cuộc sống đang ấm êm bình yên; không biết chấp nhận cái khắc nghiệt, thậm chí là khắc nghiệt đến mức tước đoạt cả quyền được sống, để đi theo tiếng gọi của khát vọng dân tộc,… thì “đất nước đã đi xuống cái hố sâu nào ?”, và rằng “tại sao cứ chạy theo kinh tế đơn thuần, không tập trung cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục về đạo làm người, giải quyết những nguy cơ mà Đảng, Nhà nước đã trông thấy từ lâu?
Tại sao không xem sự tồn vong của đất nước là vấn đề sinh tử ? Tại sao những cái xấu cứ tiếp tục xảy ra và phát triển đến mức báo, đài phải lên tiếng báo, động liên tục? Tâm trạng ấy nào phải của riêng ai. Nghĩ suy này phải đâu là sự riêng lẻ. Nhiều đêm, nước mắt cứ ứa ra giữa bao trăn trở (Tôi sinh ra ở Cẩm La-Người của một thời)”.
Người của một thời, cuốn sách đầy ắp những tưởng nhớ, hoài niệm và tri ân cùng biết bao trăn trở.