Nguyễn Văn Trỗi, chuyện chưa kể về người anh hùng
TP – Sáng 15/4, hài cốt của anh Nguyễn Văn Trỗi được đưa từ nghĩa trang nhỏ của làng về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM. Hàng ngàn đồng đội, người thân, sinh viên, thanh niên làm lễ truy điệu và đưa anh Trỗi về nằm cùng các đồng đội một thủa.
Ngôi mộ trong bụi tre
Theo tài liệu của Thành Đoàn, anh Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam. Anh mồ côi mẹ từ nhỏ. Sau hiệp định Genève, anh vào Sài Gòn, lúc đầu đạp xích lô, sau theo học nghề điện. Năm 1963, anh hoạt động trong Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn (đội 65). Năm 1964 anh ra cứ học cách đánh biệt động và gặp các anh Ba Sơn, Tư Kiếm, Nguyễn Hữu Lời, được chỉ thị ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara tại cầu Công Lý.
Ngày 2/5/1964, đội nhận nhiệm vụ, sớm hơn 2 tuần so với dự kiến ban đầu. 10 giờ tối 9/5/1964, anh Trỗi và anh Lời đang rải dây đánh mìn theo dòng kênh thì bị lộ và bị địch bắt.
Trước pháp trường, anh Trỗi không cần bịt mắt mà hiên ngang nhìn thẳng quân thù hô khẩu hiệu chống Mỹ. Hình ảnh hiên ngang của anh được các hãng thông tấn thế giới đưa tin làm rung động lòng người dân yêu hòa bình và yêu Việt Nam. Tấm gương anh Trỗi hy sinh đã khơi gợi nhiều áng văn thơ lay động lòng người, khơi dậy phong trào yêu nước trong lớp thanh niên một thời.
Cách đây vài năm, phóng viên Tiền Phong về thăm mộ của anh Trỗi tại nghĩa Trang Văn Giáp, quận 2. Ông Hai, một cựu binh chế độ cũ thường xuyên chăm sóc mộ phần, nói: “Sau khi anh Trỗi đánh bom Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara không thành và bị bắt, bị tử hình ngày 15/10/1964, gia đình chị Quyên đã tìm được phần mộ và đưa về nghĩa trang bên vợ tại Văn Giáp này.
Ngôi mộ người dân ngụy trang bằng một bụi tre lớn trồng bên trên. Ngôi mộ phát lộ đúng đêm 30/4/1975, ngay hôm giải phóng Sài Gòn, bộ đội đã tổ chức tưởng niệm anh Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa trang Văn Giáp”.
Sáng 15/4, phát biểu trong buổi lễ an táng, lãnh đạo Thành Đoàn cho biết: “Việc an táng anh Trỗi vào Nghĩa trang liệt sĩ của thành phố là thực hiện theo nguyện vọng của gia đình”.
Từ sáng sớm, mộ anh được bốc và di chuyển tới nghĩa trang liệt sĩ; 10 giờ sáng, các nghi lễ tưởng niệm được thực hiện, hài cốt của anh Trỗi được phủ cờ đỏ sao vàng. Đảng bộ, chính quyền thành phố an táng anh Trỗi ở khu vực trang trọng nhất, nơi đặt các ngôi mộ (có nhiều ngôi mộ tượng trưng) của các anh hùng, nghệ sĩ như mộ đại tá Phạm Ngọc Thảo, nhạc sĩ Hoàng Việt, Lê Thị Riêng…
“Sống như anh”
Đến dự lễ an táng anh Trỗi có nhiều cựu biệt động thành là đồng đội anh trong Đội cảm tử 65. Họ còn mang theo hồ sơ đề nghị phong Đội cảm tử 65 danh hiệu anh hùng. Theo hồ sơ, Đội biệt động 65 đã có 3 người được phong anh hùng là anh hùng Phạm Văn Hai, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và anh hùng Nguyễn Thanh Tuyền, 2 huân chương quân công hạng nhì và nhiều huân chương quân công khác…, đủ thành tích để được phong là đơn vị anh hùng.
Cô Trần Thị Phương, thành viên Đội biệt động 65, kể: “Lúc ấy, chúng tôi hoạt động bí mật, không biết nhau, nhưng khi anh Trỗi bị bắt, báo chí đưa tin thì chúng tôi đều biết anh Trỗi là đồng đội của mình”. Một thành viên của đội 65 nói: “Trong tổ cảm tử này có 4 người. Hai anh đội trưởng, đội phó chưa tới, hai anh còn trẻ là lính mới, đến sớm, đang thực hiện nhiệm vụ thì bị lộ”. Đồng đội của anh Trỗi cho biết thêm: “Trong khi anh Trỗi nhận nhiệm vụ đánh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara tại cầu Công Lý thì đơn vị chúng tôi còn nhận lệnh đánh một số mục tiêu khác mà Robert Mc Namara có thể sẽ tới nữa”.
Anh Nguyễn Văn Thanh, họ hàng với anh Trỗi, cũng đến dự lễ an táng. Anh Thanh lớn tuổi hơn nhưng gọi anh Trỗi là bác. Gia đình anh Thanh vào Sài Gòn trước. Anh Thanh kể: “Khoảng 15 tuổi, bác Trỗi vào Sài Gòn. Khi đó, bác đến nhà cha tôi để đi học nghề, rồi sửa điện cho nhà. Em tôi thường đưa bác Trỗi đi vào khu Lái Thiêu để gặp cơ sở, đứng ở ngoài vườn trông chừng cho bác”.
Anh Thanh tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn, sau đó ra Bắc làm việc, và anh Thanh là thư ký của Tổng Bí thư Lê Duẩn 18 năm. Anh Thanh kể: “Tôi còn nhớ khi tập ký “Sống như anh” ra đến Hà Nội, ông Tố Hữu đọc cả đêm, sáng ra, ông Tố Hữu đưa cho tôi đọc. Khi đọc, tôi biết người đó là bác tôi. Tôi nói về bác Trỗi với ông Duẩn và ông ấy đánh giá rất cao tấm gương của bác Trỗi tôi và cũng hiểu thêm về truyền thống của gia đình chúng tôi. Nhà bác tôi có 4 người con thì anh Trỗi và người em út đều là liệt sĩ”.
Anh Thanh cho biết, anh không bao giờ quên những câu thơ của Tố Hữu viết về Nguyễn Văn Trỗi:“Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra…”.
Chuyện người em trai
Lãnh đạo xã Điện Thắng Trung, quê hương anh Nguyễn Văn Trỗi, nói với phóng viên: “Xã chúng tôi có mẹ Thứ và anh Trỗi là hai người anh hùng cả nước đều biết. Mẹ Thứ có 9 con trai và hai cháu liệt sĩ. Anh Trỗi là tấm gương bất khuất, hiện giờ ở quê có nhà thờ, nhà lưu niệm anh Trỗi”.
Bác Nguyễn Văn Nhung, trưởng tộc Nguyễn Văn, đọc lời cảm ơn của gia đình trong lễ an táng. Bác nói với phóng viên: “Tôi chính là thầy dạy học Trỗi đến hết lớp 3. Trỗi rất siêng học và sống có trách nhiệm với mọi người. Tôi xin thay mặt dòng tộc cám ơn các cấp đã tổ chức lễ an táng Nguyễn Văn Trỗi hôm nay”.
Chị Quyên, vợ anh Trỗi, đến dự lễ trên chiếc xe lăn. Chị tâm sự: “Anh rất thiêng, phù hộ cho tui khỏe để dự lễ này, chứ mấy hôm trước thì tui nằm một chỗ”.
Chị Quyên kể: “Tôi nghe mọi người nói Bác Hồ bảo cháu Quyên còn trẻ, không nên ở vậy mà nên lập gia đình, nên nghĩ đến các thế hệ tương lai. Tôi nghe mọi người nói lại với tôi vậy. Nhưng lúc ở Hà Nội nhiều người thương mà tôi không dám, vì tôi nghĩ người ta thương hại mình thôi. Anh chồng tôi bây giờ cũng ở chiến trường, cùng cảnh ngộ, tôi muốn chọn một người để đi hết cuộc đời cách mạng của chúng tôi”. Ngồi trên chiếc xe lăn, nhìn hài cốt của anh Trỗi được quy tập bên cạnh những vị anh hùng của thành phố, chị Quyên xúc động và mãi không nói được thêm câu nào.
Đứng bên ngôi mộ, có một người phụ nữ khá cao lớn, nhanh nhẹn, khuôn mặt trầm tư. Chị Nguyễn Thị Thoàn chính là chị cả trong gia đình. Chị nói: “Mẹ tôi mất sớm. Nhà bốn anh em, ngoài tôi còn 3 đứa em. Kỷ niệm cậu Trỗi nhiều lắm, nhưng các em ở với chị sung sướng, còn cậu Trỗi thì xa chị rất sớm”.
Trầm ngâm đứng bên mộ bia, chị Thoàn kể: “Tôi nhớ em tôi đi Sài Gòn về, tôi không biết em đi làm cách mạng, tôi cứ giục cậu lấy vợ để có người lo cơm nước. Tôi hỏi quen ai chưa. Nếu chưa quen ai, chị giới thiệu cho. Em tôi bảo là có quen một cô ở Sài Gòn rồi. Sau đó, cậu vô Sài Gòn gửi về một lá thư như thế này: Em nghe lời chị hết, em sẽ cưới vợ, đời người có đám cưới, có đám ma”. Sau lá thư ấy vài tháng, anh Trỗi làm đám cưới với chị Quyên.
Chị Thoàn là người cuối cùng rời khỏi ngôi mộ người em trai anh hùng. Chị nói: “Trước kẻ thù, em tôi không bao giờ khuất phục, nhưng với chị gái thì em tôi luôn một mực vâng lời”.
Nguồn: Tienphong.vn