Quận Đoàn Cẩm Lệ tổ chức hành trình đến với các địa chỉ đỏ
Nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), Ban Thường vụ Quận Đoàn Cẩm Lệ đã tổ chức “Hành trình đến với địa chỉ đỏ” từ ngày 27-29/6/2018 tại tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của các đồng chí Thường trực Quận Đoàn và các đồng chí là Bí thư, Phó bí thư Đoàn phường. |
Đoàn đến tìm hiểu và tham quan tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Chuyến hành trình đã đưa các đồng chí cán bộ Đoàn đến tham quan, tìm hiểu nhiều địa điểm di tích, lịch sử tại Nhà lao thiếu nhi tại Thành phố Đà Lạt. Được gọi là “Địa ngục chốn trần gian” – Nhà lao thiếu nhi thành phố Đà Lạt được chế độ Ngụy quyền Sài Gòn bịp bợm công luận là “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” (đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn). Nhà lao là nơi giam cầm tù nhân là những chiến sĩ cách mạng đang ở tuổi thiếu nhi hòng thực hiện âm mưu “ly gián”, phân hóa, cải tạo, gội rửa “tư tưởng cộng sản” những tù nhân nhỏ tuổi. Gọi là Trung tâm Giáo huấn, nhưng thực chất giặc áp dụng một chế độ quản lý đặc trưng chế độ nhà tù, như: tù nhân các buồng không được liên lạc với nhau, hàng ngày phải lao động để sống, nhưng chế độ ăn là của… súc vật. Còn cái gọi là giáo huấn chính là bôi đen, xuyên tạc chế độ cộng sản, nói xấu Đảng, Bác Hồ, miền Bắc XHCN…hòng làm lung lạc ý chí kiên cường của những người cộng sản trẻ tuổi, với các quy định bắt buộc mọi tù nhân phải tuân theo, trong đó chúng đặt ra việc chào cờ ba que, hát “quốc ca” vào ngày thứ hai hàng tuần… Nếu tù nhân nào không tuân theo là được xếp vào đối tượng chống đối phải trừng trị, đàn áp với mọi cực hình.Do không thực hiện được chính sách mị dân, xuyên tạc, dụ dỗ, mua chuộc, để phân hóa, kẻ thù điên cuồng quay sang đàn áp bằng những cực hình dã man nhất: mỗi ngày bị đánh ba đợt (sáng, trưa và tối), mỗi lần đánh tất cả tù nhân năm roi, chúng cùm từng nhóm tù nhân lại và nhốt trong các xà lim buốt giá của khí trời Đà Lạt. Chưa hết, tối đến mỗi người tù còn “được” dội nước lạnh vào người! Thâm độc hơn, chúng dùng chiêu bài “lấy người tù trị người tù” bằng việc xây dựng những tù nhân chiêu hồi làm tay sai, nội gián để sẵn sàng đàn áp. Mặc dù phải chịu rất nhiều gian khổ, nhưng 600 tù nhân thiếu nhi tại đây đã liên tục phản kháng và đấu tranh một cách kiên cường. Phong trào đấu tranh đã diễn ra mạnh mẽ tại nhà lao này thông qua tổ chức Đoàn thanh niên, các anh chị lớn tuổi và một số đảng viên lãnh đạo. Các phong trào đấu tranh chống chào cờ, không hát quốc ca của giặc, xé cờ ba que… diễn ra liên tục làm cho kẻ thù lo sợ. Hành động gan dạ và bất khuất tại nhà lao TN Đà Lạt là trừng trị cai ngục; hay chiến công vang dội của nhóm tù thiếu nhi tự mổ bụng phản đối chế độ nhà tù hà khắc của Ngụy quyền Sài Gòn, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống đàn áp, trả tự do cho tù nhân đã mãn hạn… Một sự kiện nữa đã làm phá sản âm mưu “dùng người tù trị người tù” là việc năm tù nhân thiếu nhi đã trừng trị tên tù phản bội Nguyễn Cương, kẻ cam tâm làm chó săn cho giặc – vào tối 23-1-1973… Ngoài ra, các chiến sĩ nhỏ tuổi của nhà tù cũng đã bảy lần tổ chức vượt ngục để trở về tiếp tục chiến đấu…Những phong trào đấu tranh gan dạ, bất khuất của những người tù nhỏ tuổi đã làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ địch khi tổ chức ra Trung tâm này. Đầu tháng 6-1973, Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt bị giải tán… Thông qua chuyến hành trình này, các đồng chí cán bộ đoàn đã được hiểu hơn về lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường của các thế hệ cha anh đi trước. Qua đó, biến niềm tự hào, xúc động thành động lực để không ngừng phấn đấu, nổ lực nhiều hơn nữa trong công việc và cuộc sống, xứng đáng là những thế hệ kế thừa những thành quả cách mạng, thừa hưởng nền độc lập, hòa bình mà biết bao thế hệ đi trước đã đổi bằng máu xương của mình, phát huy sức trẻ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. |
Tin: Quận Đoàn Cẩm Lệ. |